Hoa hậu đầu tiên của Tây Nguyên rạng rỡ vẫy chào khán giả nhưng gương mặt xinh tươi của cô vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, thậm chí còn vương chút nét buồn. “Lúc đó em nghĩ đến bố mẹ ở nhà” – Lý tâm sự.
Hai ngày sau khi được trao danh hiệu cao quý nhất của cuộc thi Hoa hậu Tây Nguyên, Lý vẫn chưa dám báo cho bố mẹ biết tin. Mẹ Lý vừa trải qua ca phẫu thuật thay van tim, hiện sức khỏe của bà vẫn chưa ổn đinh.
Mẹ bị bệnh tim lúc Lý còn bé xíu. Để có tiền chữa bệnh cho mẹ, cả gia đình Lý đã rất nỗ lực. Cha của Lý làm công nhân ngành gỗ, tranh thủ thêm nghề thợ mộc ở nhà.
Từ năm vào THCS, Lý đã giúp cha cưa gỗ, bào gỗ, lớn hơn chút nữa Lý kiêm luôn việc đánh véc-ni, dầu bóng cho các sản phẩm mộc của cha.
Những lúc cha Lý đi nhận công trình xa nhà, Lý trở thành thợ điện và thợ vá lốp xe trong nhà. Lý cười hồn nhiên: Bố mẹ em chỉ có hai đứa con gái, nên những việc của con trai đều được bố bày cách làm hết.
Thương đứa cháu thông minh, ngoan hiền nhưng không có điều kiện học tập, bác gái (chị ruột của mẹ) Lý ở Buôn Ma Thuột đã gọi Lý vào ở cùng, nuôi Lý ăn học và thi đỗ vào Trường Đại học Thể dục thể thao ở TP HCM. Đầu vào, điểm của Lý cao thứ hai trong toàn khóa về môn bóng chuyền.
Cô sinh viên có biệt danh Lý “cò” vừa phấn đấu học tập vừa kiếm việc làm thêm để đỡ gánh cho gia đình. Suốt năm thứ nhất, Lý nhận việc rửa bát thuê cho các nhà hàng để khỏi tốn tiền cơm. Sang năm thứ hai, Lý vào đội Thanh niên xung kích của trường.
Qua năm thứ ba, điểm trung bình các môn của Lý “cò” trên 9, cô được nhận cả 2 học bổng: Học bổng sinh viên giỏi của trường và học bổng dành cho sinh viên dân tộc thiểu số của Hội Sinh viên Việt Nam.
Mẹ Lý trở bệnh nặng lúc Lý chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học nhưng mẹ nhất quyết không chịu mổ khi nghe viện phí phải đóng tới bảy – tám chục triệu đồng.
Bố thuyết phục mẹ không được, cả hai chị em Lý hết lời van xin, mẹ vẫn lắc đầu cương quyết: Mẹ phải để dành tiền đó làm vốn sau này cho hai con vào đời.
Lý năn nỉ: Con hứa với mẹ, con lo cho con được. Nếu mẹ không thương chúng con, không chịu mổ, chúng con không chịu đi học nữa đâu! Rốt cuộc, mẹ phải nghe theo hai đứa con hiếu thảo.
Sau khi mẹ mổ tại bệnh viện Triều An, Lý vừa lo thi vừa liên tục vào ra chăm sóc mẹ trong bệnh viện nhưng vẫn tốt nghiệp đại học với luận văn loại giỏi.
Trong lúc chờ kết quả xin việc từ Trường Đại học Tây Nguyên, Lý được Sở Thể dục Thể thao Đăk Lăk mời làm trọng tài giải Cầu lông các cây vợt trẻ toàn quốc. Nhận được tiền thù lao 400.000 đồng, Lý hồ hởi đi mua bánh làm quà cho cháu.
Một cán bộ của báo Tiền phong, Ban đại diện Tây Nguyên cũng đi mua bánh, “ngửa cổ nhìn lên” thấy Lý xinh xẻo, bèn thuyết phục bằng được Lý tham dự cuộc thi Hoa hậu Tây Nguyên.
Cho đến lúc đó, chưa bao giờ Lý nghĩ mình sẽ đi thi Hoa hậu, bởi Lý vẫn hình dung đôi tay mình vẫn còn mùi véc-ni, vẫn còn những vết chai do gần mười năm trời giúp bố làm thợ mộc.
Bác của Lý cũng hết mình động viên cháu gái tham dự cuộc thi. Cái đàn tính Lý cầm hôm lên sân khấu trình diễn là do một người chú đồng hương đi sưu tầm tận huyện Đăk Song (tỉnh Đăk Nông) cách TP Buôn Ma Thuột cả trăm cây số.
Đêm chung kết, trong giây phút căng thẳng và hồi hộp nhất của phần thi ứng xử, Lý nhận được câu hỏi: “Bạn có nhận xét gì về ý kiến:Sự duyên dáng còn tạo nên sức hấp dẫn hơn vẻ đẹp hình thức?”.
Vẫn giữ nét điềm tĩnh vốn có, Lý trả lời lưu loát: “Vẻ đẹp hình thức giúp ta có lợi thế tạo thiện cảm ban đầu với người đối diện, nhưng chính sự duyên dáng mới giúp ta neo giữ được mối thiện cảm lâu dài trong lòng mọi người.
Cái neo tình cảm ấy, Đàm Thị Lý đã gieo vào lòng mỗi người dù chỉ một lần tiếp xúc với cô.