Hạt gạo toàn cầu

TP - Hạt gạo Việt Nam đang xuất đi khắp thế giới với con số kỷ lục 6 triệu tấn năm 2009. Nhiều hai lúa ở vựa lúa ĐBSCL nói vui nhưng ngẫm ra lại đúng: An ninh lương thực Việt Nam gắn liền với an ninh lương thực thế giới, hạt gạo Việt Nam mang giá trị toàn cầu. Giá trị ấy bắt đầu có từ bao giờ? 

Miệt Hậu Giang, vùng Tây sông Hậu, có câu ca quen thuộc: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/Anh có thương em thì cho bạc cho tiền/Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.

Những địa danh trong câu ca, không phải nơi làm ra nhiều lúa gạo, mà là nơi kinh doanh lúa gạo, đô thị công nghiệp lúa gạo của Nam Bộ đầu thế kỷ 20. Ở đó, có nhiều nhà máy xay xát lớn bên những chành lúa khổng lồ. Nhà máy xay xát Ngã Bảy, công suất một năm đến 100.000 tấn lúa, lớn nhất Đông Dương lúc ấy và có lẽ cả bây giờ.

Đô thị công nghiệp lúa gạo ra đời từ việc đào kinh Xáng Xà No, dài 34 cây số, tạo ra con đường lúa gạo từ Cần Thơ xuống Rạch Giá. Xáng Xà No được đào trong 3 năm (1901 – 1903), đáy rộng 40 mét, mặt rộng 60 mét, sâu bình quân 2-5 mét, có nơi sâu 9 mét, bởi bốn chiếc xáng chạy máy hơi nước.

Mỗi chiếc 350 mã lực có gàu múc tới 375 lít, bùn đất múc lên đổ vào hai máng kê bên hông xáng, phóng lên bờ xa đến 60m. Đây là con kinh lớn đầu tiên ở Nam Bộ được đào bằng máy nên rất nhanh. Chúng được gọi là kinh xáng, để phân biệt với kinh đào thủ công hay sông, rạch tự nhiên.

Kinh Xáng Xà No, mục tiêu chính là khai khẩn đất nông nghiệp miệt Hậu Giang. Vùng này, lúc đó dân cư thưa thớt, mênh mông rừng rậm. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức miêu tả Chỗ mờ mịt không có dấu chân người, có nhiều muỗi và đỉa, người đi thật gian khổ.

Khi mới mở công cuộc đào kinh khẩn đất, một bác sỹ người Pháp ở Rạch Giá, tên là A-la-vông (Alavoine), ghi lại: Rất nhiều trâu rừng và voi trú ngụ; voi rừng thường tấn công dân phu tham gia đào kinh, do đó người Pháp phải dùng súng bắn đuổi chúng.

Đến nồi cơm của thế giới

Đào xong kinh Xáng Xà No, đào tiếp những con kinh ngang, cứ nửa cây số đào một kinh nhỏ, tròn cây số đào một kinh lớn. Lại đào cụm kinh ngã bảy, ngã năm. Chính quyền lúc đó có chính sách thu hút đầu tư, theo cách nói thời thượng bây giờ là “làm ăn lớn”.

Ai khẩn được chừng 400 ha đất, cho phép lập làng mới và được miễn giảm thuế 5 năm đầu. Nên toàn Đông Dương có 6.690 đại điền chủ, riêng Nam Kỳ có 6.300 và miệt Hậu Giang có điền chủ lúa gạo lớn nhất, đến 30.000 ha đất.

Năm 1908, miệt Hậu Giang đã đóng góp 900.000 tấn gạo trong tổng số 1,3 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả Nam Bộ. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Nhưng giá trị văn hóa mới thật lớn lao. Những dòng kinh mở ra trước, chiêu tập nông dân sau, các thị tứ, chợ búa mọc lên ở các ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã bảy kinh. Chợ nổi cũng sầm uất từ đó.

Lúa nhiều và việc kinh doanh lúa gạo đã nâng đỡ toàn bộ nền thương mại vùng đất này phát triển hoạt bát, phong phú, hướng ngoại mạnh mẽ. Văn minh kinh xáng ra đời, nói theo nhà văn Sơn Nam, một hình thức văn minh ngộ nghĩnh.

Đó là nền văn minh mở ra từ việc cơ giới hóa thủy nông, thúc đẩy sản xuất trang trại lớn, khép kín, tạo bước tiến ngọan mục cho công, thương, dịch vụ. Cuộc sống trở nên dễ dàng, làm chơi ăn thật, con người miệt vườn Hậu Giang dần nổi tiếng bởi cá tính rộng rãi, hào phóng.

Thế rồi công cuộc khẩn hoang, phát triển đã bị chững lại mấy chục năm chiến tranh. Đến năm 1960, Nam Bộ không còn gạo xuất khẩu, trái lại phải nhập khẩu.

Sau ngày nước nhà thống nhất, khẩn hoang mạnh mẽ hơn và làm lúa tăng vụ, từ năm 1989, Việt Nam trở lại xuất khẩu gạo. Năm 2009, xuất khẩu đạt kỷ lục 6 triệu tấn gạo.

Cách khẩn đất của mạng lưới kinh Xáng Xà No, đào kinh chính xong đào tiếp kinh sườn, cứ nửa cây số một kinh nhỏ, tròn cây số một kinh lớn, sau này được áp dụng ở nhiều nơi. Từ đây tạo ra một vùng đất màu mỡ, vựa lúa gạo của cả nước.

Hơn thế, văn minh kinh xáng còn tạo nền cho một văn hóa sông nước của xứ miệt vườn nảy nở, phát triển.