Ham đua đòi, mua sắm, tôi thành “gái bán hoa”

TPO - Vì ốm bệnh phải nghỉ “không tiếp khách” nên Tú may mắn “thoát” được đợt truy quét tệ nạn xã hội của công an thành phố. Nằm nhà nghĩ đến cảnh sống của “kiếp bướm đêm”, Tú thấy tủi nhục vô cùng nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu để làm lại cuộc đời.
Ảnh minh hoạ: Internet

19 tuổi, Tú rời làng lên thành phố tìm việc làm với hi vọng sẽ thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Mới chỉ học hết lớp 12 rồi nghỉ ở nhà nên Tú chẳng hề có bất kỳ một bằng cấp hay nghề nghiệp gì để tìm việc làm. Một người chị họ ở thành phố sau gần một tháng cho Tú ăn nhờ ở đậu tại phòng trọ đã khuyên cô theo nghề cắt tóc gội đầu mà chị đang làm. Cũng chẳng còn cách lựa chọn nào khác, Tú nhận lời vừa phụ việc, vừa học nghề cho quán cắt tóc. Quán mở ngay đầu chợ, gần xóm trọ nên khá đông khách. Khi thì là mấy cô công nhân may ở khu công nghiệp ghé vào cắt, nhuộm tóc, khi thì là mấy cậu sinh viên. Nhưng đông và làm đẹp thường xuyên nhất vẫn là mấy cô tiếp viên của các quán karaoke thuê nhà ở trọ ngay gần đó.

Lúc thì nhuộm đổi màu tóc từ nâu hạt dẻ sang tím đỏ, lúc thì uốn xoăn, lúc lại là thẳng, rồi đắp mặt nạ, cấy lông mi, sơn móng tay chân… Vì các cô là “khách ruột” nên chị em Tú luôn chiều chuộng hết lòng. Vừa phục vụ nhu cầu làm đẹp của khách, Tú vừa lắng nghe, khi thì tiếp chuyện các cô với những câu chuyện về quần áo, giày dép, rồi anh này đẹp trai nhưng ky bo, anh kia xấu nhưng … thoáng, rồi con này con nọ mới “trúng đậm” tiền bo của khách.

Trong những câu chuyện không đầu không cuối ấy, Tú càng nghe lại càng thấy mê mẩn cuộc sống “sang chảnh” quần áo là lượt, phấn son rực rỡ, điện thoại xịn lướt “phây” nhoanh nhoách. Tú thấy mình quê mùa với bộ quần áo thẫm màu, đôi bàn tay lúc nào cũng nhợt nhạt vì ngâm trong nước gội đầu, làm móng tay móng chân cho khách. Cả ngày không bước chân ra đường, không biết đến món ngon hay chỉ đơn giản là ngụm nước ngọt để giải khát.

Thế rồi Tú lân la làm quen với “các chị” và tâm sự mong muốn “theo nghề” của mình mặc cho người chị họ hết lời can ngăn khi Tú nhất quyết xách đồ rời phòng trọ của chị qua ở cùng với mấy cô tiếp viên chân dài váy ngắn kia.

Ngay lần đầu tiên được đưa đến gặp “má Dung”, Tú đã nhận được cái gật đầu ưng ý của má khi con mắt tinh đời liếc qua cô gái mới 19 tuổi đẹp căng tràn, rực rỡ. Má Dung sai ngay một chị đưa Tú đi mua sắm quần áo, cắt tóc và trang điểm. Chính Tú cũng ngỡ ngàng không nhận ra mình trong gương sau khi “lột xác”. Rồi các chị chỉ dạy cho Tú cách làm vừa lòng khách, cách “moi tiền”, cách chèo kéo khách uống nhiều bia rượu…

Chỉ hai tháng sau khi “nhập môn”, Tú đã là “con gà đẻ trứng vàng” của má Dung, hút khách ùn ùn. Má Dung cũng không tiếc tiền cho Tú “vay” để lên đời điện thoại, mua xe ga đắt tiền và sắm sửa quần áo, túi xách.

Đổi lại, Tú cũng vắt kiệt sức để “phục vụ” khách theo yêu cầu mà không nghĩ rằng mình đang từ từ “nhúng chàm”. Cho đến một ngày vì ốm bệnh phải nghỉ “không tiếp khách” nên Tú may mắn “thoát” được đợt truy quét tệ nạn xã hội của công an thành phố. Nằm nhà nghĩ đến cảnh sống của “kiếp bướm đêm”, Tú thấy tủi nhục vô cùng nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu để làm lại cuộc đời.