Tại hội thảo, chị Trịnh Thị Mai Phương - Uỷ viên Ban Chấp hành, Quyền Trưởng Ban Quốc tế T.Ư Đoàn cho biết: Trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác, T.Ư Đoàn phối hợp Văn phòng UNESCO Việt Nam xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện Bộ công cụ vận động dành cho thanh thiếu nhi. Bộ công cụ nằm trong chiến dịch truyền thông “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”.
Nhằm điều chỉnh Bộ công cụ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của thanh thiếu nhi Việt Nam, T.Ư Đoàn và UNESCO tại Việt Nam chủ trì tổ chức các cuộc họp kỹ thuật với các chuyên gia, nhóm tư vấn.
Qua đó, đã bước đầu xây dựng được dự thảo Bộ công cụ vận động dành cho thanh niên, với những số liệu và minh chứng phù hợp với bối cảnh, tình hình thanh thiếu nhi ở Việt Nam.
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, thông tin: Chiến dịch “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” được triển khai trên toàn cầu từ năm 2020, nhằm kêu gọi bảo vệ những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục cho trẻ em gái, đảm bảo việc học tập không ngừng của trẻ em gái và thúc đẩy trẻ em gái trở lại trường một cách an toàn khi trường học mở cửa trở lại.
“Tại Việt Nam, UNESCO hợp tác với Bộ GD&ĐT triển khai chiến dịch với sự tham gia của hơn 10 nghìn học sinh tại 24 trường THCS. Ngoài các hoạt động tại địa phương, năm ngoái, chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội đã tiếp cận tới 350 nghìn người. Sự phối hợp của T.Ư Đoàn sẽ mang chiến dịch đi xa hơn, rộng hơn và tạo nên những tác động hiệu quả hơn nữa”, ông Christian Manhart nói.
Tại Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm chuyên môn, các chuyên gia.
Các đại biểu tập trung trao đổi, ý kiến về kết cấu, các phần, danh mục cụ thể của Bộ công cụ; bối cảnh, tình hình và các số liệu cụ thể của thanh thiếu nhi và tình hình học tập, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đến việc học tập của thanh thiếu nhi Việt Nam; nội dung những kỹ năng mà Bộ công cụ muốn cung cấp khi tổ chức hoạt động vận động thanh thiếu nhi.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã ý kiến, góp ý nhằm hoàn thiện Bộ công cụ trước khi ban hành chính thức, qua đó tổng hợp, chắt lọc, hướng đến việc ban hành Bộ công cụ chính thức trong năm 2022.