Giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập báo cáo tài chính nhà nước

Việc lập BCTCNN là nội dung mới, tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương; thực tiễn triển khai phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Hướng đến một nền tài chính ngày càng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, việc đánh giá, tổng kết thực tiễn lập BCTCNN là cần thiết, để từ đó đề ra giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng BCTCNN năm 2021 và những năm tiếp theo

Việc lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) là nhiệm vụ mới được quy định tại Luật Kế toán năm 2015. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước (KBNN), ngay từ khi nhận nhiệm vụ, KBNN đã chủ trì nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý về BCTCNN, ban hành Thông tư hướng dẫn lập BCTCNN, Thông tư hướng dẫn sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư hướng dẫn lập BCTCNN.

Bên cạnh đó, KBNN cũng chủ động, tích cực phối hợp, tham gia ý kiến với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán nhà nước, đảm bảo nguồn thông tin đầu vào của BCTCNN. Ngoài ra, để triển khai BCTCNN, KBNN cũng đã chủ động có các văn bản hướng dẫn chi tiết cho toàn hệ thống để thực hiện công tác tổng hợp và lập BCTCNN. Song song đó, KBNN đã triển khai xây dựng hệ thống thông tin Tổng Kế toán Nhà nước, kịp thời hỗ trợ đắc lực cho công tác gửi báo cáo của các đơn vị cũng như công tác tổng hợp, lập BCTCNN.

Đến nay, KBNN đã triển khai lập BCTCNN đầu tiên cho năm tài chính 2018 và các năm 2019, 2020 để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định. BCTCNN đã phản ánh bức tranh sơ khai về tài sản, nguồn vốn của Nhà nước và được các cấp có thẩm quyền ghi nhận.

Mới đây nhất, Báo cáo năm 2020 cơ bản phản ánh được một số thông tin về tình hình tài sản, các nguồn hình thành tài sản, thu nhập, chi phí và sự vận động các luồng tiền của khu vực nhà nước. Các thông tin này được tổng hợp và trình bày theo cơ sở dồn tích, phù hợp với chuẩn mực kế toán công Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong đó, về phạm vi tài sản nhà nước, BCTCNN năm 2020 đã phản ánh thông tin về giá trị tài sản nhà nước đang theo dõi, quản lý tại các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, tài sản của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. BCTCNN cũng phản ánh được một phần giá trị tài sản kết cấu hạ tầng gồm hạ tầng giao thông đường bộ do trung ương và địa phương quản lý và công trình nước sạch nông thôn tập trung.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã đánh giá, việc Chính phủ lập BCTCNN trình Quốc hội thể hiện bước tiến bộ rất lớn trong quá trình nghiên cứu và áp dụng các thông lệ quốc tế tốt trong quản lý tài chính công, tài sản công theo hướng hiện đại. Quan sát quá trình triển khai lập BCTCNN trong 3 năm qua, ông Đinh Văn Nhã cho rằng, KBNN đã chủ động, tích cực, kịp thời vào cuộc ngay từ đầu và tập trung tối đa cho nhiệm vụ vừa mới, vừa khó này.

Bên cạnh những điều đã làm được, bà Nguyễn Thị Hiền cũng cho rằng, do đây là nhiệm vụ mới với nhiều khó khăn vướng mắc, đến nay, BCTCNN còn một số tồn tại hạn chế như chưa tổng hợp đầy đủ thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng nhà nước; Báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị còn sai sót dẫn đến thông tin trên BCTCNN chưa được chính xác. Đơn cử như thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng không, đường thủy còn chưa đầy đủ, phát sinh sai sót trong quá trình nhập liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Hay hiện nay, báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị dự toán cấp 1 còn sai sót, chưa chính xác; số liệu nợ địa phương còn điều chỉnh sau khi quyết toán dẫn đến thông tin phản ánh trên BCTCNN không chuẩn. Thực tế cũng chỉ ra, các thông tin trên BCTCNN chưa kịp thời và chưa phân tích đa chiều hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.

Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy, trong công tác tiếp nhận Báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác lập và gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho KBNN dẫn đến không đảm bảo thời hạn gửi báo cáo theo quy định, số liệu báo cáo của các đơn vị cung cấp cho KBNN còn có sai sót. Trong công tác tổng hợp, lập BCTCNN, quy trình tổng hợp BCTCNN còn qua nhiều bước trung gian phần nào ảnh hưởng đến thời gian lập BCTCNN. Quy trình tổng hợp BCTCNN còn chưa phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán công quốc tế và thông lệ chung.

Đặc biệt, do BCTCNN là một nội dung mới với nhiều thuật ngữ khác biệt so với kế toán thu chi ngân sách nhà nước, được lập trên cơ sở kế toán khác với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước nên KBNN gặp khó khăn trong việc giải thích, thuyết minh các điểm khác biệt.

Trước những tồn tại của BCTCNN, ông Đinh Văn Nhã cho rằng, những hạn chế này rất khó tránh khỏi. Lý do bởi tài sản kết cấu hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của khu vực nhà nước nhưng pháp luật về quản lý, sử dụng, báo cáo, hạch toán nhiều loại tài sản này chưa đầy đủ, đồng bộ. Hiện cũng chưa ban hành đầy đủ Chuẩn mực kế toán công Việt Nam để làm cơ sở thống nhất các nguyên tắc, chính sách kế toán trong khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, kỷ luật chấp hành các quy định pháp luật của nhiều đơn vị còn chưa tốt.

“Thông thường các quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Newzealand,… đều cần 7 - 10 năm để chuyển sang kế toán dồn tích và lập Báo cáo tài chính Chính phủ. Trong khi đó, nền tài chính công nước ta vẫn còn khoảng cách tương đối so với quốc tế. Phạm vi thông tin của BCTCNN lại tương đối rộng, đa dạng và kỹ thuật lập phức tạp. Do vậy, chúng ta cần có thêm thời gian để nâng cao chất lượng BCTCNN”, ông Đinh Văn Nhã nhận định.

Cùng quan điểm, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng, quỹ thời gian 3 năm không phải là nhiều với một nhiệm vụ khó khăn và liên quan đến rất nhiều cơ quan, đơn vị như lập BCTCNN. Kinh nghiệm ở một số nước, đặc biệt là những nước có nền quản lý tài chính phát triển như Hàn Quốc, Mỹ cho thấy thường từ khi luật quy định đến khi cho ra báo cáo đầu tiên lên tới hàng chục năm. Theo đó, Việt Nam cũng cần có lộ trình cụ thể để cải thiện chất lượng BCTCNN, từ đó giúp tăng tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của nền tài chính quốc gia.