Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tụ, giám đốc điều hành Vinasoy về vấn đề này.
Thưa ông, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Đậu nành Vinasoy sẽ mang lại những thay đổi gì cho đời sống của người nông dân trồng đậu nành?
VSAC với những hoạt động nền tảng đầu tiên là cải tạo và phục tráng giống địa phương hiện có do các nhà khoa học uy tín hàng đầu thế giới cùng chung tay với Vinasoy thực hiện. Các nhà khoa học đã bắt tay ứng dụng kinh nghiệm và công trình nghiên cứu mới nhất vào việc phục tráng giống đậu nành Việt, giúp những giống đậu nành địa phương vốn nổi tiếng thơm ngon đạt năng suất cao hơn, đáp ứng được khả năng cơ giới hóa.
Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một giải pháp đồng bộ từ trung tâm thu mua, chế biến và bảo quản sau thu hoạch… đảm bảo đầu ra ổn định.Từ đó, người nông dân trồng đậu nành sẽ thấy được tương lai mới khi gắn bó với đậu nành.
Tại sao Vinasoy lại chọn con đường này mà không tìm mua nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau, hay dùng đậu nành ngoại nhập? Việc phục tráng lại giống có phải là đi hơi xa với mô hình kinh doanh hiện tại của công ty không, thưa ông?
Hiện nay, đậu nành ngoại nhập tuy có giá thành thấp hơn đến khoảng 15% so với nguyên liệu trong nước song lại nó lại có những hạn chế mà có lẽ chỉ người thực sự rành về đậu nành mới có thể phân biệt được. Ví dụ: Tại nước ngoài, người tiêu dùng không thích mùi vị của đậu nành nên trong trồng trọt người nông dân đã loại bỏ yếu tố này ngay từ khi chọn giống, khiến đậu nành thành phẩm không thơm như đậu nành Việt nam.
Điểm thứ hai, do đặc điểm khí hậu lạnh ở các nước đi đầu về xuất khẩu đậu nành như Mỹ, Brazil, Canada… đậu nành chỉ được trồng luân canh với các hoa màu khác để được duy nhất một vụ một năm. Khi được đóng gói, vận chuyển về Việt Nam, độ tươi mới không thể so sánh với nguyên liệu được thu hoạch đúng vụ trong nước… Đó là hai trong nhiều nhiều lý do thôi thúc chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng đậu nành trong nước làm nguyên liệu sản xuất.
Với kinh nghiệm nhiều năm, chúng tôi có thể nói rằng, đậu nành ở Đắc Nông có hương vị thơm ngon hiếm có. Người nông dân nơi này tuy không có nhiều kiến thức trong việc bảo tồn giống, song điều kiện thổ nhưỡng vẫn giữ được nguyên vẹn hương vị độc đáo qua nhiều năm, đó như một bí quyết khác biệt khiến người tiêu dùng Việt yêu thích các dòng sản phẩm của Vinasoy là vì vậy.
Để xây dựng, phát triển và có được thành quả, VSAC sẽ phải nỗ lực và được đầu tư như thế nào?
Theo kế hoạch, để cải tạo, phục tráng và thuần chủng một loại giống đậu nành, chúng tôi sẽ phải làm ít nhất từ 3 đến 5 năm. Song song với quá trình này, chúng tôi còn rất nhiều việc khác cần làm với nhà nông để cải thiện kiến thức nông nghiệp, giúp họ hiểu hơn về cách làm nông nghiệp một cách khoa học, bài bản, nhằm chuẩn bị cho sự hợp tác phát triển mạnh sau đó.
“Để làm cho người nông dân yên lòng, tin tưởng thì cần có những hành động và lợi ích thực tế chứ không thể nói suông, cần phải đầu tư thật nhiều rồi mới mong nhận lại”.
Ông Ngô Văn Tụ, giám đốcđiều hành Vinasoy nhấn mạnh
Từ kinh nghiệm sâu sắc của cá nhân được đúc kết qua nhiều năm làm việc với nông dân, chúng tôi rất thấu hiểu một việc: để làm cho người nông dân yên lòng, tin tưởng thì cần có những hành động và lợi ích thực tế chứ không thể nói suông, cần phải đầu tư thật nhiều rồi mới mong nhận lại. Song, những gì nhận lại lúc này sẽ là sự tin tưởng và hợp tác. Chúng tôi đã nghĩ và làm theo phương châm này qua nhiều năm với người nông dân ở các vùng trọng điểm của mình.
Như vậy, với sự đóng góp của VSAC, ông kỳ vọng những gì trong tương lai?
Hiểu rõ, và ngày càng chuyên sâu hơn về giá trị tinh túy từ đậu nành thông qua các nghiên cứu khoa học chính là kỳ vọng của chúng tôi. Đậu nành, với nhiều tên gọi trìu mến như “thực phẩm của thế kỷ 21” hay “nhà máy sản xuất đạm tự nhiên” luôn thôi thúc Vinasoy khám phá. Chúng tôi mong muốn theo đuổi nền tảng này để phát triển trong tương lai. Đồng thời, chúng tôi tin tưởng rằng, sự ra đời của VSAC sẽ góp phần nâng cao giá trị hạt đậu nành của Việt Nam, nâng cao trình độ cơ giới hóa cũng như cải thiện đời sống cho người nông dân trồng đậu nành trong tương lai.
Với sự ra đời của VSAC, tương lai cho hạt đậu nành Việt cùng những người nông dân cần cù hứa hẹn sẽ có những đổi thay đáng mừng.
Tổng quan về Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC)
VSAC sẽ là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến về đậu nành đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, giúp rút ngắn khoảng cách về nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới vào trồng trọt, sản xuất và chế biến đậu nành tại Việt Nam. VSAC sẽ hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, là cầu nối với các nhà khoa học thế giới, áp dụng kết quả nghiên cứu của họ vào việc phát triển vùng nguyên liệu và sản phẩm từ đậu nành.
VSAC sẽ tập trung cải tạo, phục tráng, lai tạo rồi thuần chủng giống, nghiên cứu cải thiện biện pháp canh tác, chuyển giao và giám sát kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên ngành, nghiên cứu phát triển sản phẩm và phát triển các chương trình phổ cập dinh dưỡng đậu nành trong cộng đồng.
VSAC đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với hai đối tác là Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri (National Center for Soybean Biotechnology - NCSB) và Trung tâm Nghiên cứu Đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Illinois (National Soybean Research Laboratory - NSRL).