Gia tăng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích

TP - Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của TPHCM, tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích tăng từ 0,17% lên 0,25% trong vòng 5 năm qua.

> Dạy bơi miễn phí cho 200 học sinh

Đuối nước: Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cho 3.786 trẻ em và trẻ vị thành niên từ 0 đến 19 tuổi trong năm 2007. Trong số này, khoảng 36% xảy ra ở trẻ em từ 0 đến 4 tuổi, 48% ở trẻ từ 5 đến 14 tuổi, và 16% ở trẻ em và vị thành niên từ 15 đến 19 tuổi.

Bỏng: Khảo sát gần đây cho thấy, trong số những trường hợp nhập viện do bỏng thì có đến 50% ca bỏng xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, bé trai bị bỏng nhiều hơn bé gái và bỏng xuất hiện rải rác trong năm. Các trường hợp bỏng thường xảy ra tại nhà, ở khu nhà bếp từ 8 - 10 giờ sáng hoặc chập choạng tối, do người lớn bất cẩn để trẻ chơi đùa một mình.

Động vật hoặc côn trùng cắn: Báo cáo thống kê tại Tiền Giang cho thấy tai nạn thương tích nổi cộm ở trẻ là bị chó cắn, rắn cắn. Tổng số trường hợp trẻ em bị rắn cắn, chó cắn được xếp vào hàng thứ 2 sau tai nạn giao thông. Kết quả điều tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng cho biết có 1.464 trường hợp/100.000 trẻ trong 1 năm bị súc vật cắn vào mùa nắng nóng.

Trẻ bị ngã hoặc tai nạn giao thông: Số liệu từ báo cáo từ 54 tỉnh thành của Bộ Y tế trong năm 2008 cho thấy có 495.545 vụ chấn thương đầu. Trong số này, tỷ lệ nạn nhân dưới 14 tuổi là 13%, gần 50% số trẻ em bị chấn thương não do không đội mũ bảo hiểm.

Phòng ngừa cho trẻ:

Phải có sự giám sát chặt chẽ của người lớn mỗi khi trẻ tiếp xúc với nguồn nước như ao, hồ, sông, bể bơi… Các vật dụng chứa nước nên đậy thật kỹ, tốt nhất là không nên trữ nước khi không thật cần thiết.

Giúp trẻ tránh xa các tác nhân gây bỏng bằng cách không nên cho trẻ chơi đùa gần bếp. Bếp nấu ăn nên đặt ở vị trí cao, khi nấu ăn không nên cho trẻ luẩn quẩn trong bếp. Nấu ăn xong, những món sôi nóng cần để xa và cao khỏi tầm tay trẻ.

Khuyên trẻ không nên leo trèo, phá phách trên cây để ngừa ong đốt, không nên chơi đùa ở những nơi có nhiều bụi rậm hoặc thọc tay vào trong hang, lỗ không an toàn để ngừa rắn cắn, nhất là không nên chọc phá hoặc đến gần nơi có chó, mèo, gấu, khỉ…

Tốt nhất trẻ nhỏ phải luôn được người lớn chăm sóc mỗi khi trẻ ăn, ngủ, chơi đùa. Khi chở trẻ nhỏ lưu thông trên đường, cần thắt dây an toàn, che chắn cẩn thận, lưu thông với tốc độ chậm, tuyệt đối không uống bia, rượu khi lưu thông.

BS Đinh Thạc
Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

Theo Báo giấy