Gia tăng trẻ em bị tai nạn thương tích

TP - Mỗi ngày có hàng trăm trẻ phải vào viện cấp cứu và hàng chục trẻ tử vong bởi những tai nạn thương tích gây ra. Trong đó, có không ít trường hợp đau lòng do người lớn bất cẩn.
Mỗi ngày có hơn 20 trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây nên ở Việt Nam. Ảnh: L.N

> Ba nữ sinh chết đuối do tắm sông
> Người lớn đi vắng, 5 trẻ chết đuối

Mỗi ngày có hơn 20 trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây nên ở Việt Nam. Ảnh: L.N.
 

Tang thương ngày hè

“Nó vẫn hôn mê kể từ ngày vào viện đến giờ. Tôi mới chỉ có mình nó”- chị Trần Thị Bê, 30 tuổi ở Thủ Thừa, Long An khóc nấc lên khi nói về đứa con 4 tuổi của mình đang nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1 do bị bỏng.

Trước đó, trong lúc nấu ăn, chị Bê để con chơi một mình. Vô tình cháu Hoàng Trần B. lấy que sắt thọc vào ổ điện khiến điện giật bị bỏng độ 3 phải vào viện cấp cứu. Các bác sĩ cho biết cháu bị bỏng lan tỏa, nhiều nơi bỏng sâu cần phải điều trị tích cực.

Trường hợp bé V.A.T. 8 tuổi ở Long An vừa tử vong sau khi bị ong đốt suy đa cơ quan. Ngay khi biết con không qua khỏi, chị Hà mẹ bé T. ngất lên xỉu xuống. “Nghỉ hè nên cứ để cho tụi trẻ chơi đùa thoải mái, không ngờ chỉ vì phút bất cẩn mà chúng tôi vĩnh viễn mất con”- chị Hà đau xót khi kể lại.

Theo chị Hà, cả nhóm 4 đứa ở cùng xóm thấy tổ ong nên chọc phá, nhưng chỉ có T. bị ong đốt tới 80 nốt chi chít, 3 trẻ còn lại chỉ bị nhẹ. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến- Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1 trẻ bị tai nạn thương tích do ong đốt, rắn cắn, bỏng hay tai nạn sinh hoạt... nhập viện như cơm bữa.

Bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Diệp- Trưởng khoa cấp cứu BV Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, tình trạng trẻ nhập viện do tai nạn thương tích ngày càng gia tăng, đặc biệt trong mùa hè. “Có những trường hợp trẻ bị tử vong do tai nạn sinh hoạt hay ngộ độc rất đáng tiếc. Trong đó, mùa hè hay gặp nhất là tai nạn do đuối nước”- bác sĩ Diệp cho biết.

Trong tháng 7, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận 70 trường hợp do tai nạn thương tích, trong đó có 3 trường hợp tử vong do té cầu thang và ong đốt, rắn cắn.

Ám ảnh

Theo Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích TPHCM, trong năm 2010 có 70.000 trẻ gặp tai nạn thương tích làm 25 trẻ tử vong. Trong đó, tai nạn sinh hoạt do ngã, điện giật, rắn cắn, ngộ độc, súc vật cắn và bị phỏng cũng là những nguyên nhân gây thương tích và gây nên số ca tử vong nhiều.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, tai nạn do ngạt nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong cao, đặc biệt nó để lại di chứng não làm ảnh hưởng suốt cuộc đời của trẻ.

Tại BV Nhi đồng 1 mỗi năm tiếp nhận không dưới 1.000 trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích. Không ít trẻ trong số này bị rắn cắn, côn trùng đốt dẫn đến suy đa cơ quan, thậm chí có trường hợp đã tử vong do cấp cứu muộn.

Tại BV Nhi đồng 2 mỗi năm cũng tiếp nhận hơn 700 trường hợp do tai nạn thương tích gây ra. Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 100 trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 14. Số liệu ghi nhận 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy tại TPHCM đã có gần 20.000 trẻ em bị tai nạn thương tích phải nhập viện điều trị, trong đó có hàng chục em đã tử vong ở độ tuổi dưới 4.

Hai ngày, 10 trẻ chết đuối

Ngày 28-7, khi đi làm về, vợ chồng anh Nguyễn Đi ở xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế) đau đớn phát hiện 5 xác chết trong ao vườn nhà mình gồm 3 con ruột của anh và hai đứa trẻ hàng xóm.

Ngày 29-7, Đồn Biên phòng 492 BR-VT phát hiện xác chết hai cháu nhỏ 9 tuổi chết đuối do tắm biển. Ngày 29-7, tại thị trấn Lương Sơn, Bắc Bình, Bình Thuận, cơ quan chức năng đã vớt được xác 3 nữ sinh chết đuối do tắm sông.

Theo Báo giấy