Đến dự có Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - Lê Thanh Tùng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan; cùng đại diện chính quyền các địa phương, các hợp tác xã và nông dân tham gia thực hiện Đề án.
Theo kế hoạch, đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025), sẽ tập trung thực hiện đạt 60.000ha diện tích canh tác lúa thuộc vùng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSat) và vùng lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Giai đoạn 2 (2026-2030), tiếp tục mở rộng để đạt 125.000ha tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường (có 62 xã với 50.800 hộ tham gia).
Mục tiêu của Đề án đến năm 2030 là giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Ngoài ra, thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; tỷ suất lợi nhuận của nông dân trồng lúa là hơn 50%.
Phát biểu tại lễ phát động, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cho biết, mặc dù Long An không thuộc các tỉnh thực hiện mô hình thí điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng trong giai đoạn 2024-2025 tỉnh chủ động căn cứ vào nội dung của các mô hình thí điểm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện thời gian qua để ban hành kế hoạch thực hiện 33 mô hình điểm (mỗi mô hình từ 15-20ha).
Trong đó, tỉnh lựa chọn Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa thực hiện mô hình điểm với quy mô 15ha trong 2 vụ là vụ Ðông Xuân 2024-2025 và vụ Hè Thu 2025.
“Mục tiêu của mô hình điểm là xác định và đánh giá có khoa học lợi ích canh tác lúa theo tiêu chí Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” tại tỉnh Long An. Qua đó, làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới” - ông Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, các đại biểu tham quan mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón tại Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa.
Ðề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023, có 12 tỉnh, thành vùng ÐBSCL tham gia; quy mô đến 2025 là 300.000 ha, đến 2030 là 1 triệu ha.
Ông Nguyễn Minh Lâm cho biết, đề án sẽ hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế”.