Đứng dậy bằng niềm tin

TP - Hơn 70 phụ nữ khuyết tật tìm cách vươn dậy thành đạt, hạnh phúc trong cuộc sống trong một câu lạc bộ mang tên Niềm Tin.

Sẻ chia

Những phụ nữ thiếu may mắn ấy đến từ 7 quận, huyện của thành phố Đà Nẵng. Chủ nhiệm CLB Niềm Tin là chị Nguyễn Thị Thu. Từ nhỏ, Thu nhiều lần rớt nước mắt nhìn bạn bè tung tăng chạy nhảy, làm những điều mình muốn. Ba tham gia chiến trường rồi mất sớm, mẹ tần tảo nuôi 5 chị em. Rồi cả khu phố Ngũ Hành Sơn ai cũng khâm phục cô bé Thu tật nguyền chăm chỉ, ngày ngày ngồi bán bánh mỳ bên lề đường sau những giờ miệt mài đèn sách.

 Chuyển biến lớn nhất của chị em trong CLB là tự tin. Tự tin trước mọi người, tự tin trở thành những người vợ, người mẹ…, đó là điều quý giá nhất 

Tiết kiệm được một khoản tiền, Thu góp vốn với anh trai để cùng mở một xưởng bánh mỳ. Đến nay chị là chủ của tiệm bánh Thanh Thu Bakery có tiếng. “Hãy tự tin, việc gì rồi cũng sẽ vượt qua thôi” – chị nói.

Không ít lần chị tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế để nói lên thông điệp của người khuyết tật, khơi dậy niềm tin của những chị em cùng cảnh ngộ.

Mỗi người một cảnh, một nghề. Người bán vé số, bánh mỳ, xôi, sữa… Nhiều chị em chưa có việc làm. Chị Thu nhóm lại mở xưởng may công nghiệp ngay trong văn phòng hội. Mỗi buổi sinh hoạt là dịp nắm bắt tâm tư tình cảm chị em, vận động giúp đỡ những chị em gặp nạn, gặp khó.

Trên chiếc xe lăn, bà chủ tiệm bánh Thanh Thu Bakery vẫn luôn tự tin.

Hai nửa khuyết thành tròn

Cơ ngơi khang trang của vợ chồng chị Hoàng Thị Hiền và anh Trương Công Nghiêm nằm ở số 43 Phan Phu Tiên, TP Đà Nẵng. Hai vợ chồng tật nguyền, đến với nhau từ hai bàn tay trắng giờ đã là chủ một công ty quảng cáo mà hơn nửa số nhân viên là người khuyết tật.

“Cuộc sống khó khăn thì cùng tựa nhau mà sống” - chị Hiền nói. Từ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), Hoàng Thị Hiền ra Đà Nẵng lập nghiệp trên chiếc xe lăn. Chị tham gia Hội Thanh niên khuyết tật, gặp “một nửa” của đời mình.

Hai vợ chồng mày mò, học hỏi rồi tích cóp mở công ty quảng cáo, in ấn mang tên N. Trung (tại số 91 Phan Thanh). Đứa con gái đầu lòng ra đời kháu khỉnh khiến niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ nhân lên nhiều lần.

Nhìn những nhân viên của mình di chuyển một cách khó khăn, vợ chồng chị đang tính toán liên kết các công đoạn trong công việc theo hướng giảm thiểu di chuyển để thuận lợi hơn cho họ.

Cô nhân viên siêu thị Big C Trần Thị Huệ khuôn mặt trái xoan, nụ cười hồn hậu luôn nở trên môi, kể, hồi bé cô ít cười lắm vì thấy tự ti. 5 tuổi cô bị bại liệt sau cơn sốt nặng, đôi chân bé nhỏ cứ dần teo lại. Huệ sống thu mình, chỉ biết làm thân với con chữ. Huệ học giỏi, đậu điểm cao vào ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tốt nghiệp loại giỏi, nhưng Huệ vẫn thất nghiệp vì tàn tật. Không đầu hàng, cô học khóa đào tạo lập trình viên cho người khuyết tật. Và đó chính là bước ngoặt cuộc đời. Cô thôn nữ quê Đan Phượng (Hà Nội) bất ngờ rung động trước những chia sẻ rất chân tình của chàng trai Đỗ Hồng Quang.

Nhưng nghĩ đến việc lập gia đình, Huệ bắt đầu thấy băn khoăn. “Anh ấy đã nắm tay em và nói rằng mình đều giống nhau cả, đều mang đôi chân tật nguyền nên phải tựa vào nhau mới đứng vững được. Và bây giờ thì em thấy điều đó đúng” - Huệ nói.

Theo Báo giấy