Dự báo chiều cao trung bình của người Việt Nam đến năm 2030

TPO - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cảnh báo tình trạng thiếu hụt vitamin D ở trẻ em tại Việt Nam vẫn còn phổ biến, đã và đang ảnh hưởng không tốt đến phát triển chiều cao của trẻ em. Nghiên cứu năm 2022 tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy có tới hơn 50% trẻ sơ sinh thiếu vitamin D.

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học "Vai trò của vitamin D3 và K2 hỗ trợ cải thiện mật độ xương và tăng trưởng chiều cao ở trẻ em", do Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức ngày 6/11 tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra nhiều bằng chứng khoa học, khuyến nghị mới nhất, có tính ứng dụng cao với sự phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ em.

"Qua Hội thảo, Viện Y học ứng dụng Việt Nam thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sức khỏe, dinh dưỡng liên quan đến sự phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ em thông qua những bằng chứng khoa học, các khuyến nghị mới nhất, có tính ứng dụng cao", PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nói.

Phát biểu tại hội thảo, bác sĩ, TS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh: “Sự kết hợp của 2 loại vitamin K2 và D3 có thể hỗ trợ hấp thu canxi vào xương, giúp tăng cường mật độ xương, giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương, đồng thời giảm tình trạng lắng đọng canxi tại các mạch máu, mô mềm. Sự kết hợp trên có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện, tăng trưởng chiều cao ở trẻ em. Việc bổ sung kết hợp vitamin D3 và K2 đã được chứng minh là có tác dụng tốt hơn so với bổ sung vitamin D3 đơn thuần”.

GS. Leon Schurgers, Phó Chủ tịch Khoa Hóa sinh tại Đại học Maastricht, Chủ tịch hội đồng chỉ đạo khoa học về đảm bảo chất lượng phát hiện vitamin K trên toàn cầu chia sẻ: “Để vitamin K2 phát huy hiệu quả tối đa, cần lưu ý lựa chọn sử dụng các sản phẩm có chứa vitamin K2 dưới dạng MK7, đặc biệt là dạng trans MK7 vì đây là dạng vitamin K2 có sinh khả dụng tốt hơn trong cơ thể và có độ tinh khiết cao, ít lẫn các tạp chất”.

Các chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng đã chia sẻ, thảo luận và thống nhất các quan điểm mới, thiết thực về vai trò quan trọng của bộ đôi Vitamin D2 và Vitamin D3 đối với việc đảm bảo sự chắc khỏe của xương, hỗ trợ phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ.

Yếu tố đầu tiên quyết định chiều cao của trẻ là di truyền, chiếm khoảng 23% nhưng dinh dưỡng lại đóng góp đến 32% trong quá trình phát triển của trẻ. Do vậy, để thu hẹp khoảng cách chiều cao người Việt với các nước hàng đầu châu Á, ngoài yếu tố gene, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ... cho trẻ.

Theo TS. Sơn, số liệu mới nhất trong Tổng điều tra toàn quốc năm 2020 cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm với nam giới, và nữ đạt 156,2cm. So với kết quả của 10 năm trước, nam thanh niên cao trung bình 164,4cm, tăng 3,7cm. Năm 2010, nữ thanh niên chỉ cao trung bình 153,6cm thì sau 10 năm, chiều cao này đã tăng thêm 2,6cm. Chiều cao trẻ em thành phố cao hơn 2cm so với trẻ em nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn nghèo, vùng hay xảy ra thiên tai và miền núi. Chiều cao người Việt sinh từ năm 2000 trở lại đây tốt hơn giai đoạn trước, tốc độ cao nhanh gần gấp đôi thập niên trước.

Hiện, người dân Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 3,7cm/10 năm ở nam và 2,6cm/10 năm đối với nữ. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, dự đoán đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam sẽ xấp xỉ 1m72, nữ giới gần chạm mốc 1m59.