DOVECO - người đơm quả ngọt trên những 'vùng đất hứa'

Liên tiếp mở những trung tâm chế biến hiện đại ở các vùng rau quả trọng điểm, với chiến lược liên kết theo chuỗi, từ trồng trọt, thu mua, chế biến và xuất khẩu, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) luôn khẳng định là một điển hình “đầu kéo” trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến nông sản của Việt Nam.
Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2021, giúp bao tiêu nông sản cho hàng nghìn hộ nông dân

Thành quả từ Tây Nguyên…

Lô chanh leo đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU hưởng ưu đãi thuế suất từ Hiệp định EVFTA được tổ chức trọng thể ở Mang Yang (Gia Lai), mang một niềm vui lan tỏa với bà con ở khu vực Tây Nguyên cũng như ngành rau quả Việt Nam.

Ðiều đặc biệt hơn, lô hàng này được xuất đi tại Trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất Việt Nam của DOVECO Gia Lai - tổ hợp “đầu kéo” cho rau quả vùng Tây Nguyên vừa khánh thành tròn trèm một năm trước.

Chia sẻ về thành quả này, ông Ðinh Cao Khuê,  Chủ tịch HÐQT DOVECO cho biết, từ khi EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), nhiều mặt hàng nông sản của DOVECO khi xuất sang EU đã được hưởng mức ưu đãi thuế quan rất thấp.

Riêng với mặt hàng chanh leo cô đặc xuất sang Hà Lan lần này, đối tác của DOVECO được giảm mức thuế nhập khẩu từ 7,5% về 0%. “Chúng tôi nhận định rằng, đây vừa là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, vừa là động lực để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các mặt hàng của công ty”, ông Khuê nói.

Cũng theo ông Khuê, DOVECO có các đối tác lớn, lâu năm tại Hà Lan, Ðức, Pháp, Ba Lan… đang xây dựng thêm nhiều mối quan hệ hợp tác bền chặt với các công ty nhập khẩu từ các quốc gia khác ở EU. Các sản phẩm thế mạnh của DOVECO được châu Âu ưa thích như: dứa đông lạnh IQF, dứa hộp, dứa cô đặc, nước dứa NFC.

Hiện sản phẩm từ quả chanh leo được sản xuất chủ yếu tại nhà máy DOVECO Gia Lai như nước chanh leo cô đặc, nước chanh leo NFC và ruột chanh leo đông lạnh… Ðây cũng là sản phẩm chủ lực, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của công ty.

Chủ tịch DOVECO cho rằng, để ngành rau quả Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA mang lại, DOVECO đã chủ động thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường EU, cũng như nỗ lực hơn để đáp ứng các quy định mới của EU trong EVFTA về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động… Cùng đó, DOVECO cũng đang tích cực trồng các loại quả tươi theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu như chuối tươi, chanh leo và đặc biệt là dứa MD2.

“Là đơn vị có mối liên kết chặt chẽ với nông dân, chúng tôi quyết tâm sẽ giữ vững mối liên hệ gắn bó này, dựa vào lợi thế do EVFTA mang lại, giúp người nông dân ổn định và nâng cao đời sống hơn nữa”, ông Khuê nói.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, chanh leo du nhập vào Việt Nam từ những năm 90, thích nghi tốt và dần phát triển rộng ra nhiều tỉnh trong cả nước, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Chanh leo được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, Nghệ An, Hòa Bình và Sơn La.

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực. Sản phẩm chanh leo của Việt Nam đã có mặt ở các thị trường yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Ðức, Hồng Kông, Hà Lan, Hàn Quốc, Ðài Loan, Thụy Sĩ…

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kỳ vọng DOVECO sẽ tiếp tục lĩnh xướng, phát triển bền vững và hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất cũng như chế biến chanh leo, dần mở rộng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế bằng sản phẩm chanh leo an toàn, chất lượng cao, khẳng định chất lượng, tạo vị thế vững chắc cho nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

… đến kỳ vọng khởi sắc Tây Bắc

Nhìn thấy những tiềm năng lớn từ rau quả vùng Tây Bắc, đặc biệt là “thủ phủ” Sơn La, qua quá trình khảo sát, đánh giá, DOVECO đã quyết định đầu tư một Trung tâm chế biến rau quả hiện đại tại huyện Mai Sơn (DOVECO Sơn La).

Tổ hợp chế biến này nằm giữa trung tâm vùng nguyên liệu rau quả của tỉnh Sơn La, có diện tích gần 9ha, với quy mô dự kiến 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.

Trung tâm chế biến gồm 3 nhà máy với thiết bị công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay, là mô hình khép kín bao gồm từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu, chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu.

Dự án được các chuyên gia hàng đầu về công nghệ, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm của Italia và Costa Rica tư vấn đầu tư.

Dự kiến Trung tâm chế biến rau, quả DOVECO hoàn thành vào cuối năm 2021, khi đi vào hoạt động sẽ thu mua và chế biến hàng trăm nghìn tấn sản phẩm rau quả các loại như: Chanh leo, xoài, dứa, chuối, bơ, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương và nhiều các loại rau quả khác của tỉnh Sơn La.

Doanh thu trung bình hàng năm ước khoảng 2.000-2.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 100 triệu USD, nộp ngân sách địa phương khoảng 100 tỷ đồng.

Ðặc biệt, Trung tâm DOVECO Sơn La sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông nghiệp và hàng nghìn lao động tại nhà máy, góp phần thúc đẩy, đổi thay diện mạo nông nghiệp của huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.

Theo Chủ tịch Ðinh Cao Khuê, DOVECO đã đến và được Sơn La đón nhận bằng tình cảm nồng hậu nhất với mong muốn chung là sự ra đời của Trung tâm chế biến rau quả nông sản hiện đại.

“Ðây là tiền đề cho việc hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, giải quyết đầu ra sản xuất cho hàng ngàn hộ nông dân và nhân dân trong vùng, nâng cao giá trị hàng hóa cho bà con nông dân, nâng cao thu nhập cho danh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH của Sơn La”, ông Khuê nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Ðông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho rằng, dự án của DOVECO phù hợp với phát triển kinh tế xã hội và ưu tiên đầu tư của Sơn La. Việc xây dựng nhà máy này sẽ giúp Sơn La trở thành Trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả của vùng Tây Bắc.

Bí thư tỉnh Sơn La cho biết với hơn 600 HTX nông nghiệp, trong đó có khoảng 300 HTX về trái cây, đây là “miền đất hứa” cho lĩnh vực chế biến nông sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tin tưởng DOVECO Sơn La sẽ tạo ra cú hích, giúp nông nghiệp Sơn La yên tâm sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới.

Ðánh giá cao những đóng góp của vị “thuyền trưởng” DOVECO cho ngành rau quả Việt Nam, Thứ trưởng Doanh nói rằng: “Tôi biết anh Ðinh Cao Khuê đã nhiều năm. Có thể nói đây là một trong những doanh nhân đầu tiên đồng bộ cả xuất khẩu rau quả tươi lẫn chế biến. Anh Khuê nhiều năm một mình lầm lũi đi tìm hiểu vùng nguyên liệu cùng các chuyên gia. Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La là sự kết hợp hoàn hảo giữa doanh nghiệp năng động và vùng đất được thiên nhiên ban tặng”. 

Nhờ mô hình liên kết với DOVECO, nông dân trồng chanh leo có đầu ra, 
thu nhập ổn định
Photo: ..

Chủ tịch DOVECO Đinh Cao Khuê kiểm tra chất lượng giống chanh leo

 
Việt Nam xuất khẩu lô hàng chanh leo đầu tiên sang thị trường EU theo hiệp định EVFTA từ nhà máy của DOVECO Gia Lai
Photo: ..

 “Tôi biết anh Đinh Cao Khuê đã nhiều năm. Có thể nói đây là một trong những doanh nhân đầu tiên đồng bộ cả xuất khẩu rau quả tươi lẫn chế biến. Anh Khuê nhiều năm một mình lầm lũi đi tìm hiểu vùng nguyên liệu cùng các chuyên gia. Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La là sự kết hợp hoàn hảo giữa doanh nghiệp năng động và vùng đất được thiên nhiên ban tặng”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh