Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng kinh tế trọng điểm và là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai dẫn đến tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, lở đất, lũ thất thường..., ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế khu vực vốn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, tác động tiêu cực tới kinh tế quốc gia.
Doanh nghiệp tại khu vực muốn tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế buộc phải kinh doanh theo 2 hướng: Một là, thích ứng với biến đổi khí hậu; Hai là, tổ chức kinh doanh theo hướng sáng tạo, bền vững, xanh hóa để góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu. Vì vậy, doanh nghiệp phải hình thành năng lực chuyển đổi và các mô hình chuyển đổi gắn với yếu tố Đổi mới sáng tạo (ĐMST). Điều này trở thành một xu thế và cũng là yêu cầu cấp thiết cho mọi doanh nghiệp ở các ngành, lĩnh vực khác nhau tại ĐBSCL.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trước bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp thiết về phát triển bền vững, nỗ lực hướng đến một nền kinh tế xanh, thực hiện các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 đưa Việt Nam đạt mục tiêu NetZero vào năm 2050, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi xanh, thúc đẩy các giải pháp sản xuất, thương mại theo tiêu chí thân thiện môi trường và phát triển bền vững.
Cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024 được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - lần thứ II năm 2024 để tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp, mô hình, dự án,… giảm phát thải, chuyển đổi xanh - đóng góp cho mục tiêu chuyển đổi xanh của khu vực, hướng tới góp phần phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững - thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, cuộc thi nhằm tìm kiếm, phát hiện các sáng kiến, giải pháp, mô hình, dự án kinh doanh có tính thực tiễn cao, khả thi, có khả năng nhân rộng và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho các sáng kiến trở nên hoàn thiện hơn, hoặc được nhân rộng hơn phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, kết nối các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư với cộng đồng khởi nghiệp nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong và ngoài tỉnh. Tạo sân chơi, môi trường giao lưu lành mạnh cho thanh niên và cộng đồng doanh nghiệp, học tập những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích trong hành trình khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.
Đối tượng tham gia là cá nhân, tập thể, đơn vị, tổ chức có dự án, mô hình, giải pháp, sáng kiến thuộc các ngành nghề phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với tiêu chí của Cuộc thi.
Các dự án khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình, giải pháp, sáng kiến thuộc các lĩnh vực: Ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; Giải pháp chế biến, khai thác, tạo giá trị gia tăng tài nguyên bản địa; Các lĩnh vực khác phù hợp với chủ đề của Cuộc thi.
Ban tổ chức ưu tiên, khuyến khích các dự án, sáng kiến, mô hình, giải pháp sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, kinh tế xanh, nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp phù hợp với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cuộc thi diễn ra từ tháng 9/2024 đến tháng 11/2024, Ban tổ chức tiếp nhận bài dự thi đến ngày 25/10/2024. Hoặc nộp trực tuyến qua đường link: ttps://urlvn.net/sangkienmekong2024. Vòng Chung kết diễn ra từ 14 – 16/11, trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Mekong Startup 2024 tại Nhà Văn hóa Lao động Đồng Tháp.