1. Hà Nội.T&T (HN.T&T), SHB.Đà Nẵng (SHB.ĐN) và B.Bình Dương (B.BD) - (2 lần) đã vô địch V-League trong giai đoạn từ 2007 đến 2010 với vai trò của các HLV Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và Lê Thụy Hải được nhìn nhận như là một tác nhân thực sự.
Nó, đặc biệt là trường hợp của Lê Huỳnh Đức, nó khá tương tự như cái cách ông Calisto gầy dựng cho ĐTLA trước kia - một đội bóng có nền tảng, vô địch bằng chính thực lực của mình và không phải vị trí nào cũng là các ngôi sao.
Họ chỉ có kém so với ông Calisto xét về bề dày thành tích, tính liên tục, nhưng thực ra lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố bất khả kháng. SHB.ĐN của Huỳnh Đức đã chỉ thất bại vì năm 2010 “đến lượt” HN.T&T (2 đội bóng cùng 1 ông bầu tài trợ) phải lên ngôi vô địch.
Và ngoại trừ HN.T&T trước nay chỉ sử dụng HLV nội, cả 2 đội bóng còn lại đều đã thử chán chê các đời HLV ngoại khác nhau nhưng phải tới khi có được Lê Huỳnh Đức và Lê Thụy Hải mới trở thành những quyền lực của bóng đá Việt Nam.
Có lẽ sẽ có người tranh luận, rằng CLB khác với đội tuyển quốc gia. Hoàn toàn chính xác. Khác từ cách thức xây dựng đội bóng, phương pháp huấn luyện, quản trị cho tới những áp lực thành tích bởi ngay cả thể thức giải đấu cũng khác nhau khi cấp độ đội tuyển chỉ chuyên đá cúp còn CLB đá giải “League” - một cuộc đua đường trường.
Nhưng một HLV giỏi thì luôn biết cách tự thích ứng, giống như ông Calisto cả đời chưa từng được làm HLV trưởng ĐTQG nào cả trước khi tới Việt Nam.
2. Không dám tự cho là đi nhiều để khẳng định là tuyệt đối, nhưng quả thực tôi chưa từng gặp người thành phố chỉ dẫn tìm đường cho người nông thôn ngơ ngơ ngác ngác một cách tử tế theo kiểu đồng bào giúp nhau.
Ấy thế mà tôi lại thường xuyên bắt gặp cái cảnh người ta đột ngột dừng xe khi nhìn thấy một “thằng Tây” tay cầm bản đồ nhưng mắt nhìn 4 phía. Chúng ta sẵn sàng dùng cả tay, cả chân để “nói” với Tây cách tìm đường tới Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hay di tích Hỏa Lò.
Chúng ta mỹ miều gọi đó là hiếu khách, còn thật thà bản chất nói đấy là sự thiếu yêu thương tôn trọng chính chúng ta bên cạnh thói sính ngoại.
Hình như người Việt chúng ta còn có một bộ phận sợ Tây, hoặc có thể nói nhẹ hơn là chỉ Tây mới nể. Nó không đơn thuần là vì rào cản ngôn ngữ, mà còn vì sự ám ảnh chỉ có Tây mới tốt. HLV Barbosa trong cả giai đoạn đầu mùa liên tục nhồi thể lực sai phương pháp ở ĐTLA, nhưng không ai ở đó lên tiếng dù rất nhiều cầu thủ hồ nghi là cứ tiếp tục thì họ sẽ thất bại.
Hay HLV Galhidi ở Thể Công năm 2008 cài đứa cháu không biết đá bóng của mình là Attilan sang Việt Nam để kiếm lương tháng gần chục ngàn đô, nhưng cả đội chỉ dám thì thầm là “Tây lẽ nào cũng có chuyện con cháu các cụ”. Hay chính việc Liên đoàn khóa IV không ai dám phản biện HLV Tavares khi ông hành xác các cầu thủ năm 2004 cũng là một biểu hiện - hậu quả của cái thói vì quá nể thành sợ, và quá sợ nên chỉ còn biết nghe lời.
Văn hóa ứng xử khiến cho HLV bóng đá cũng như con người ở các lĩnh vực khác khá hạn chế trong đấu tranh trực diện, đòi hỏi quyền lợi phục vụ đội bóng (chính HLV và các cầu thủ). Dường như chỉ có HLV Lê Thụy Hải là không bị hạn chế này, nhưng ông lại có một hạn chế khác - cũng là một thói quen xấu của khá nhiều người Việt: Lợi dụng sự khác biệt ngôn ngữ để “phun châu nhả ngọc” với người nước ngoài - điều có thể làm xấu hình ảnh quốc gia.
Trận chung kết Merdeka Cup 2008, người hâm mộ xem VTV khá choáng khi camera cận cảnh, đọc khẩu hình ông Hải (trong vai trò trợ lý HLV) phản đối trọng tài đã thiên vị người Malaysia và còn đuổi ông lên khán đài.
Tuy thế, ngay cả trên thế giới xưa nay cũng chưa từng có một HLV hoàn hảo dù luôn có những hình mẫu. Vấn đề chính trong câu chuyện đội tuyển Việt có dành cho HLV Việt là lòng tin với những cơ sở được minh định rõ ràng. Chỉ e là điều này cũng là nhược điểm của chúng ta.
Theo Phạm Tấn
Thể thao Văn hóa