Đời nghệ sĩ Di Gan!

TP - Quen lắm những quán nhạc, những quán bar mà cố gắng tìm hiểu lắm cũng không biết những người nghệ sĩ trên sân khấu kia mang quốc tịch nào? Thành phố Hồ Chí Minh là vậy, đôi khi cảm tưởng khách lấn chủ, nghệ sĩ nước ngoài lại làm chủ sân khấu hay hơn nghệ sĩ Việt Nam. Chỉ có thể gật gù với nhau: nơi này là vậy.
Ban nhạc trẻ của Philippines. ảnh Trần Nguyên Anh

Chung một màu cờ Ðông Nam Á!

Trận chung kết AFF Cup 2018 tôi có mặt ở quán nhạc Yoko ở TPHCM với mục đích xem trận bóng đá với các nghệ sĩ trẻ TPHCM. Trận đấu diễn ra, khá đông anh em văn nghệ tới xem và cổ vũ. Sau đó, một ban nhạc mặc áo cờ đỏ sao vàng lên sân khấu hát và nhảy tưng bừng. Mọi người nhìn nhau: “Ban nhạc Việt Nam nào bốc lửa thế?”. Ca sĩ giao lưu, nói toàn tiếng Anh. Hóa ra là một ban nhạc trẻ của Philippines đang chúc mừng chiến thắng lịch sử khi đoạt cup của bóng đá Việt Nam với những ca khúc cực kỳ sôi động. Nhìn các nghệ sĩ nước ngoài khoác trên mình chiếc áo có quốc kỳ Việt Nam và hòa chung vào không khí vô địch, khán giả hòa chung tiếng hát với họ.

Trong một quán nhạc Flamenco ở đầu đường Lý Tự Trọng, mỗi đêm đều có các ca sĩ Philippines biểu diễn. Họ nhảy múa, ca hát không ngừng. Hẳn, chính những nghệ sĩ ngoại quốc này góp phần cho quán nhạc tồn tại hàng chục năm, khách khứa đông nghẹt. Nghệ sĩ chơi đàn Bass tại đây là người Việt Nam, anh nói: “Các ca sĩ Philippines làm chủ sân khấu rất tốt, họ luôn giao lưu với khán giả, cát sê giờ cũng không cao hơn ca sĩ Việt Nam là bao nên rất nhiều tụ điểm mời họ biểu diễn”.

Các khách sạn lớn tại TPHCM cũng thường có ca sĩ Philippines biểu diễn. Một nghệ sĩ nói: “Các ca sĩ chúng tôi chia làm hai loại. Một loại, thường là nổi tiếng, do các công ty tổ chức biểu diễn quản lý, ký hợp đồng biểu diễn trong các khách sạn tụ điểm khắp Đông Nam Á, thậm chí cả châu Âu. Chúng tôi luân phiên nhau diễn mỗi nơi chừng 3 tháng hoặc nửa năm. Loại thứ hai là nghệ sĩ tự do, tự tới các nước, trong đó có TPHCM, thuê nhà ở, tự tìm nơi biểu diễn”.

Nghệ sĩ da màu

Wallace tới Việt Nam nhiều lần. Ban đầu cô dạy tiếng Anh, nhưng rồi tôi gặp cô ở quán Jazz Clup của Trần Mạnh Tuấn với tư cách một nghệ sĩ hát nhạc blue quốc tế. Wallace tới từ Mỹ và có một trang web cá nhân, trong đó cô được xếp hàng top 40 của thế giới về nhạc blue. Wallace sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, có truyền thống âm nhạc và cô tốt nghiệp đại học âm nhạc. “Tôi muốn đi khắp thế giới. Tôi muốn hát. Đơn giản vì thế mà tôi đi khắp nơi” - nữ nghệ sĩ da màu cho biết.

Cô ca sĩ da màu tướng tá đồ sộ cũng chỉ nhận tiền cát sê như một ca sĩ Việt Nam, song cô có thể đem tới cho người nghe và nghệ sĩ Việt Nam một thứ âm nhạc Mỹ sinh động, đầy cuốn hút và cả sự giản dị nữa.

Wallace đã rời Việt Nam đi Trung Đông và hiện giờ cô đang ở Hồng Công: “Tôi chưa có ý định quay lại Việt Nam vì tôi còn một số nơi thích đến hát nữa” - tôi mới nhận được tin nhắn từ Wallace.

Một thế hệ nghệ sĩ da màu khác đã có mặt ở Việt Nam, trong đó có Brenda. So với đàn chị, nghệ sĩ này không còn vừa dạy tiếng Mỹ vừa hát nữa, cô chuyên chú biểu diễn trong các khách sạn và nhà hàng lớn tại thành phố mỗi đêm. Những dạ tiệc, các buổi biểu diễn nhỏ, nhất là nhạc jazz, blue, hầu như do các nghệ sĩ Mỹ, Úc, Anh, Pháp như Brenda. Thậm chí cô không biết nói tiếng Việt vì suốt ngày tháng sống trong cộng đồng những người nước ngoài làm việc tại nơi này.

Sửa đàn, đóng đàn

Có lẽ chẳng ai phù hợp hơn công việc sửa chữa nhạc cụ phương Tây bằng chính người phương Tây. Một nghệ nhân sửa Piano người châu Âu thường đảm nhiệm việc chỉnh dây cho các cây Piano đắt tiền, đi đâu anh ta cũng mang theo một ba lô đồ nghề lỉnh kỉnh. Thậm chí, người Sài Gòn phải đặt trước lịch sửa chữa và tốn kém khoản tiền đáng kể cho chàng trai này.

Một người khác, lại là chuyên gia giảng dạy về cách tạo dựng, điều hành phòng thu âm. Anh ta sử dụng cực kỳ thành thạo các phần mềm và các thiết bị hiện đại nhất mà thậm chí chúng chưa có mặt tại Việt Nam. Nghệ sĩ nhỏ tuổi An Trần (con gái nghệ sĩ kèn Trần Mạnh Tuấn) là học trò của kỹ sư thu âm này. Trước đây tôi biết đến những thầy giáo dạy nhạc người nước ngoài trong các trung tâm âm nhạc, thậm chí trong nhạc viện, nhưng giờ đây còn có nghề dạy về cách làm phòng thu, tự thu nhạc và sản xuất âm nhạc nữa. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói: “Bé An Trần sắp du học ở Mỹ và tôi muốn con mình được trang bị kiến thức hiện đại để theo kịp các bạn bên Mỹ”.

Những người chơi guitar chuyên nghiệp ở TPHCM biết tới Leong, một thợ sửa đàn hàng đầu người Singapore. Người đàn ông luống tuổi giới thiệu cho tôi nhiều mẫu đàn do ông thiết kế và làm tại Việt Nam, hầu như cái đàn nào làm xong đều có người mua. Hàng chục chiếc đàn cổ, quý hiếm mà hầu như không thấy xuất hiện trên thị trường đã quy tụ về đây để bảo dưỡng, mỗi chiếc như vậy có giá hàng trăm triệu đồng.

Chung một mái nhà

Một nghệ sĩ guitar người Pháp khá điển trai, thường chơi lại các bản nhạc của Carlos Santana. Anh ta yêu một cô gái Việt Nam thuộc thành phần bất hảo mà không biết. Một hôm tỉnh dậy, toàn bộ tiền bạc cùng cô gái biến bất. Thật may vẫn còn cây đàn để anh mưu sinh qua ngày chờ cách tìm đường về lại cố hương. Anh nói với tôi: “Dù sao, tôi vẫn yêu đất nước Việt Nam”.

Công việc âm nhạc ở Việt Nam cũng không nhiều và thu nhập thấp, những mối tình, những cuộc du lịch cùng bạn gái có khi khiến cho những chàng nghệ sĩ lang thang phải bán những cây đàn, cây kèn của mình. Những khi đó, nom họ thật tội nghiệp. Nhưng cũng có những nghệ sĩ tạt ngang qua TPHCM chỉ mấy tiếng đồng hồ với mục tiêu mua cho mình một cây đàn Made in Viet Nam rồi vội vã lên sân bay. Những nghệ sĩ tiếng tăm đôi khi vừa đi du lịch vừa tìm kiếm một buổi giao lưu với fan của mình ở các tụ điểm ca nhạc quốc tế…

Nghệ sĩ đi sửa đàn  ảnh: trần nguyễn anh

Đôi khi, người ta tự hỏi, liệu thành phố này thiếu vắng những cô, những chàng nghệ sĩ không mang quốc tịch Việt Nam kia, thứ âm nhạc nơi đây có trở nên lê thê nhàm chán? Không ai có thể náo nhiệt hơn những nghệ sĩ Cu Ba với âm nhạc Latinh của họ, không ai có thể ngẫu hứng tốt hơn các cô gái da màu và ít ban nhạc nào lại có thể đam mê công việc với mức lương bèo bọt như các nghệ sĩ Philippines. Tất cả họ đã trở thành một phần của thành phố đa văn hóa. 

“Tôi chưa biết bao giờ mới trở về Singapore - ông Leong nói - ở đây tôi quen với rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, phần nhiều họ đều trẻ và ham học hỏi, tôi rất quý mến họ”.

1/2019