'Đổi cách chống dịch sốt xuất huyết'

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, trong cuộc trao đổi với phóng viên hôm qua, 19-8, khi sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến rất phức tạp tại miền Trung và Tây nguyên (Tây nguyên tăng gấp 9 lần về số người mắc so với cùng kỳ năm 2009, miền Trung tăng 95%).

>> Sốt xuất huyết vào mùa
>> Điều động thêm sinh viên tham gia dập dịch sốt xuất huyết
>> Dịch bệnh ở trẻ em tăng bất thường

Bệnh viện Trung ương Huế vừa thiết lập đơn vị ứng cứu khẩn cấp sốt xuất huyết. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, đơn vị này cũng đã quá tải.        Ảnh: Đình Toàn (Tuổi Trẻ).

Ông Huấn cho biết:

8 tháng đầu năm 2010, cả nước có 42.314 trường hợp mắc SXH, 33 người đã tử vong, so với cùng kỳ năm 2009, số mắc giảm 12,7%. Tuy nhiên ở 18 địa phương miền Trung, Tây nguyên và ĐBSCL, số mắc SXH tăng mạnh, đặc biệt là Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum...

- Nguyên nhân khiến SXH tăng mạnh ở miền Trung và Tây nguyên trong thời gian qua một phần do số miễn dịch tự nhiên của cư dân khu vực này đã giảm thấp, do từ năm 2006-2008 dịch SXH tại Tây nguyên và miền Trung được khống chế khá tốt. Kiểm tra tại Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng thời gian qua cho thấy có những khu vực mức sống khá, mật độ muỗi và lăng quăng thấp nhưng số bệnh nhân vẫn rất cao.

Từ tháng 7-2010, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới là lấy chỉ số bệnh nhân để đánh giá hoạt động phòng chống dịch, mật độ muỗi gây bệnh SXH thấp nhưng bệnh nhân vẫn còn nhiều là chống dịch chưa tốt. Theo tôi, phải thay đổi cách đánh giá và chống dịch SXH.

Ông nói cần thay đổi cách chống dịch, cụ thể là thay đổi thế nào?

- Một vòng đời của muỗi kéo dài 7-10 ngày, nếu diệt một đợt lăng quăng rồi phun diệt muỗi trưởng thành trong hai đợt theo vòng đời của muỗi, cách nhau 10-15 ngày, số bệnh nhân sẽ giảm ngay tức khắc.

Trước đây 80% bệnh nhân SXH là dưới 15 tuổi, nhưng từ 3-4 năm trở lại đây số bệnh nhân SXH ở độ tuổi 20-50 lại tăng, có khi có cả người trên 60 tuổi mắc bệnh. Hồi đó người ta cho rằng miễn dịch ở người lớn đủ mạnh để chống dịch một cách tự nhiên, nhưng nay không phải như vậy.

Một điều nữa là trước đây người ta thường đo mật độ muỗi tại nhà, cho rằng mật độ muỗi trong nhà thấp là việc chống dịch có hiệu quả, nhưng nay ở những khu dân cư có mức sống khá, ít muỗi vẫn có bệnh nhân là vì muỗi sinh trưởng mạnh tại các máng, bể nước ở khu vực đang xây dựng, ở chợ, trường học, muỗi gây SXH lại sống chủ yếu vào ban ngày.

Lúc này không thể tránh muỗi bằng cách dùng mùng mà nên tìm diệt muỗi, lăng quăng ở các khu vực trường học, chợ, các khu vực đang đô thị hóa...

Ở Thừa Thiên - Huế dịch SXH đang tăng rất mạnh nhưng địa phương chưa công bố dịch, trong khi hàng xóm là tỉnh Quảng Trị đã công bố từ lâu. Như vậy có phù hợp để chống dịch không, thưa ông?

- Chúng tôi đã xây dựng dự thảo về công bố dịch và công bố hết dịch trình Chính phủ theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Trong trường hợp dịch do vi khuẩn, virut, có biến đổi gen, số người mắc cao, số tử vong lớn, vượt tầm kiểm soát của địa phương và ngành y tế thì tùy mức độ dịch, Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch UBND tỉnh thành sẽ là người công bố dịch.

Tuy nhiên dịch SXH là dịch lưu hành, VN có dịch thường xuyên xảy ra, năm nào cũng có, nếu cứ công bố có dịch rồi lại công bố hết dịch sẽ gây hoang mang, mà không phải không công bố là không chống dịch.

Việc công bố dịch phải hòa nhập với quốc tế, nếu không sẽ gây rối loạn đời sống xã hội. Dịch ở miền Trung và Tây nguyên hiện nay, chúng tôi đã làm việc với Viện Pasteur Nha Trang là cơ quan chuyên môn đầu ngành ở khu vực này, yêu cầu nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch. Hiện đoàn của Cục Y tế dự phòng đang ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cùng địa phương chống dịch.

Theo LAN ANH
Tuổi Trẻ