Lấy lại những gì đã mất
Trong những ngày này, Cty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (huyện Bình Chánh) với thương hiệu tương ớt lên men Chilica đang tất bật kiểm tra những công đoạn cuối cùng để đưa những chai tương ớt lên men đầu tiên sang trời Âu. “Chúng tôi chuẩn bị xuất lô tương ớt đầu tiên đi thị trường châu Âu vào ngày 11/3 tới đây. Đơn hàng này được đàm phán trong gần một năm, khách hàng đồng ý đặt hàng với số lượng lớn 1.500 thùng tương ớt các loại trị giá 34.000 USD. Vui hơn nữa là tương ớt vẫn giữ được thương hiệu hàng Việt khi bày bán tại các cửa hàng ở châu Âu. Dịch bệnh đã làm Cty chững lại gần 2 năm qua. Lô hàng xuất khẩu lần này là bàn đạp để chúng tôi mở rộng sang thị trường khó tính này” - ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Chilica chia sẻ. Ông cũng cho biết trong thời gian tới, Chilica sẽ tiếp tục đưa hàng đến nhiều quốc gia khác.
“Ngay từ sau Tết 2022, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc mở rộng vùng trồng, hỗ trợ nông dân nhiều hơn và tiến tới đưa sản phẩm xuất khẩu” - ông Lương Việt Chương, Giám đốc Cty TNHH Đất Phú chia sẻ. Cty Đất Phú chuyên chế biến các sản phẩm từ sen…Tất cả các loại sản phẩm của Cty đều được làm theo cách “lạ”, từ khâu chế biến đến đóng gói. Trong tương lai, DN này muốn phát triển thêm các sản phẩm làm từ đặc sản của mỗi địa phương trên cả nước. “Số lượng đơn hàng đang tăng nhanh, chúng tôi quyết lấy lại những gì đã mất trong đợt dịch vừa qua”, ông Chương hạ quyết tâm. Theo ông Chương, hiện việc đi lại giữa các địa phương đã thông thoáng, TPHCM giữ vững vùng xanh đã tạo điều kiện để DN tăng tốc. Một tín hiệu tích cực là nhiều sản phẩm từ sen được Việt kiều mang sang Mỹ đã được thị trường đón nhận. “Tôi đặt mục tiêu đưa hạt sen của Việt Nam đi khắp thế giới”- ông Chương kỳ vọng.
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay một số doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí và điện tử tại TPHCM có đơn hàng đến hết quý I/2022 và đầu quý II/2022 do dịch bệnh nên chưa giao kịp, nay quay lại sản xuất rất tích cực. Ngành gỗ được đặt hàng đến tháng 6 năm nay. Những ngành khác đều có tín hiệu rất tích cực. “Với đà này, tôi tin chắc trong một thời gian ngắn kinh tế TPHCM sẽ tăng trưởng dương và các điều kiện phục hồi kinh tế được cải thiện. Thành phố sẽ lấy lại những gì đã mất” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói .
Chia sẻ tin vui đã hoàn thành đơn hàng xuất khẩu đầu năm với hơn 4.500 tấn gạo trị giá hơn 3 triệu USD (khoảng 80 tỷ đồng), gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp, đại diện Cty CP Nông sản Lộc Trời (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, số gạo này được giao lần lượt từ đầu năm đến giữa tháng 2/2022 cho các đối tác làm ăn lâu dài với Tập đoàn Lộc Trời như Italy, Pháp, Canada, Hongkong (Trung Quốc), Singapore, Philippines… Toàn bộ đợt hàng này là sản phẩm của quá trình tổ chức sản xuất, canh tác khoa học từ hạt giống đến hạt gạo, kiểm soát chất lượng chặt chẽ đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường và có sự chia sẻ lợi ích cùng các hộ nông dân tham gia liên kết với tập đoàn.
Nhiều đơn hàng
Bà Lê Thị Mỹ Châu, Giám đốc Cty VNF, DN chuyên may gia công thời trang nữ xuất khẩu, chia sẻ, hiện DN đang tăng tốc để hoàn thành lô hàng 2 container đi Mỹ trong tháng 3 này, công nhân đã trở lại làm việc 100%. Với hai cơ sở tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) và huyện Củ Chi, VNF đã đầy kín đơn hàng đến hết năm nay. Tương tự, Cty TNHH Việt Thắng Jean cũng có đơn hàng đến hết quý II/2022 và đang tập trung mở rộng sản xuất để tăng sản lượng xuất khẩu. Nếu duy trì được nhịp độ sản xuất như hiện nay thì năm 2022 khả năng tăng trưởng của Cty sẽ cao hơn năm 2021 trên 15%.
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, hiện các DN lớn, DN chủ lực của khu đã chủ động nguồn lao động để làm việc ngay sau Tết để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu. Ông Đặng Công Bình, Giám đốc Cty TNHH điện tử DLG Ansen cho biết do năm ngoái DN đã nỗ lực sản xuất trong suốt thời gian dịch nên đối tác Mỹ, châu Âu tin tưởng tiếp tục đặt hàng, lượng đơn hàng năm mới dồi dào với giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 6 triệu USD. Nếu việc kiểm soát dịch duy trì như hiện nay, giá trị xuất khẩu có thể vượt mục tiêu và công nhân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp Sở Công Thương TPHCM cho biết, hầu hết DN công nghiệp đã khôi phục hoạt động với công suất trên 95%. Trong đó, các DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với 99,7% công suất, còn tất cả DN trong khu công nghệ cao đạt công suất 100%.