Định vị và nâng tầm thương hiệu việt trước xu thế hội nhập

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 60 đối tác; trong đó đã thực thi 12 FTA. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sắp có hiệu lực như WTO, CPTPP, EVFTA, RCEP,.. sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp, đồng thời đứng trước thách thức cạnh tranh lớn hơn.
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Nhắm tới diễn đàn chia sẻ cơ hội, thách thức trước xu thế hội nhập, nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp nhằm thích ứng và phát triển bền vững, vào sáng nay - 29/12/2020 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương kết hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm “Định vị & nâng tầm thương hiệu việt trong xu thế hội nhập”.  

Tọa đàm được tổ chức với mục đích cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển thương hiệu hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Và cùng với việc đổi mới chính sách của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho chương trình, qua đó hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - phát biểu khai mạc Chương trình tọa đàm "Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập"

Tọa đàm gồm các phiên đối thoại mở và đa chiều giữa các đại diện của Cơ quan quản lý, Chuyên gia thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng. Những câu hỏi mang tính thời sự được thảo luận một cách thẳng thắn về tầm quan trọng và vị thế thực sự của Thương hiệu quốc gia. Mối quan hệ giữa thương hiệu quốc gia với thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp là gì. Những thách thức mà doanh nghiệp Việt phải đối diện ngay trên “sân nhà”. Buổi tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của trên 150 đại diện đến từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu.

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, Trưởng ban Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho rằng: “Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (như CPTPP, RCEP, EVFTA…) đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực nền kinh tế của mình trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế khu vực và toàn cầu. Để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kì mới, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, chúng ta cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm. Chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu vận dụng hiệu quả, thương hiệu quốc gia sẽ tạo ra cơ hội để vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa”.

Ông Nguyễn Xuân Phú – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE phát biểu tại tọa đàm

Theo đó, tọa đàm “Định vị & Nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập” được tổ chức kịp thời, nội dung mang tính thời sự và thiết thực cho các doanh nghiệp Việt đang xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm, ngành hàng; từ đó góp phần vào nâng cao giá trị thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia.

Đại diện cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia 2020, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE cũng nêu quan điểm: “Bản chất các doanh nghiệp đều vận hành theo một chuỗi giá trị, từ nguyên vật liệu đầu vào, quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo marketing, phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng... Thông thường việc phát triển thương hiệu chiếm khoảng 30% trong tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Vậy quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu lớn sẽ là một quốc gia thịnh vượng. Từ đó, chúng ta cần hiểu chính xác về thương hiệu quốc gia Việt Nam để ủng hộ đúng đắn nhằm kích thích tăng trưởng của đất nước”. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp, địa phương và quốc gia.

Thông qua việc chia sẻ, trao đổi và thảo luận thẳng thắn, Tọa đàm đã đưa ra nhiều kiến nghị, tham mưu khả thi cho Chính phủ và cơ quan liên quan trong việc xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia Việt Nam phù hợp xu thế hội nhập. Chương trình cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vươn tới những giá trị thương hiệu mới, từ đó chủ động nâng tầm Thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.