Người trẻ đang cổ vũ xu hướng dinh dưỡng thực vật phát triển
Xu hướng dinh dưỡng thực vật đang lan tỏa mạnh mẽ khắp thế giới. Thống kê từ Kantar Singapore cho thấy cứ 4 người trên toàn cầu thì sẽ có 1 người theo chế độ ăn chay linh hoạt (ăn chủ yếu là thực phẩm từ thực vật, có xen kẽ thịt, cá, trứng, sữa nhưng không thường xuyên).
Tại Việt Nam, đối tượng chính thúc đẩy xu hướng này là nhóm người tiêu dùng trẻ, ở thành thị và có mức thu nhập khá. Cụ thể, 2 trên 3 người dùng Gen Z và Millenial ở Việt Nam cố gắng bổ sung các sản phẩm thay thế thịt vào chế độ ăn uống; 72% người tiêu dùng theo chế độ dinh dưỡng thực vật tại Việt Nam sở hữu mức thu nhập từ khá đến cao.
Kantar Singapore còn dự báo đến năm 2025, có tới 1/4 dân số khu vực sẽ là Gen Z và thậm chí đến năm 2030, thế hệ này sẽ sở hữu 140 tỷ USD sức mua toàn cầu. Cùng với sự tăng mạnh của Gen Z, thế hệ Millennial cũng sẽ là nhóm dân số chính trên toàn cầu chỉ sau vài năm nữa. Vì vậy, xu hướng tiêu dùng dinh dưỡng thực vật trên toàn cầu chắc chắn sẽ tiến xa hơn trong tương lai. Ngoài ra, đây là một xu hướng xanh lành phù hợp với các quốc gia, khu vực đang đối mặt với vấn đề môi trường, bởi lẽ chúng có tác động tích cực về khía cạnh bền vững.
Minh Lan (25 tuổi, nhân viên kế toán tại TP. HCM) nhớ lại cơ duyên đưa bản thân đến với dinh dưỡng thực vật: “Ban đầu, tôi vốn chỉ muốn lên mạng tìm tòi một số công thức nấu món chay dễ tiêu hóa mà lại ngon miệng cho người nhà đang bị bệnh thôi. Vậy mà dần dần mê luôn các thực phẩm từ thực vật khi biết được là ăn loại thực phẩm này vừa có lợi cho sức khỏe, hạn chế được nguy cơ bệnh mạn tính và giúp giảm cân, giữ dáng mà không phải kiêng khem khổ sở. Vậy là tôi quyết định chuyển qua kiểu ăn uống “healthy” với thực vật nhưng theo dạng linh hoạt với bạn bè của mình.”
Cũng là một người trẻ chọn chế độ dinh dưỡng thiên về thực vật, Tiến Linh (27 tuổi, nhân viên công nghệ thông tin tại TP. HCM) chia sẻ: “Mình thích tập gym và chơi thể thao nên mới mày mò học hỏi các cách thức ăn uống để tăng cơ, sức bền và cũng để tránh bệnh tật vì thường xuyên ngồi một chỗ lâu trong khi làm việc. Nhờ bạn bè tập gym chung chỉ dẫn và mình cũng tự học hỏi nên mới tìm ra bí kíp là thêm đạm thực vật và giảm bớt thịt đỏ trong bữa ăn mỗi ngày. Lúc đầu đúng là hơi khó khăn vì trước đây mình đã quen ăn nhiều thịt cá, nên phải thay đổi từng bước. Ví dụ như thay thế một lượng thịt trong bữa ăn bằng loại thực phẩm chứa đạm thực vật như đậu hũ hoặc các loại hạt. Hơn nữa, theo mình biết thì xu hướng dinh dưỡng thực vật còn giúp ích cho môi trường, vậy là có thêm một lý do nữa để quyết tâm hơn”.
Chọn dinh dưỡng thực vật, chọn góp phần bảo vệ môi trường
Giờ đây, thực phẩm từ thực vật không chỉ đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng mà còn là cách cải thiện sức khỏe, gia tăng trải nghiệm ẩm thực và giúp người trẻ thể hiện phong cách sống hiện đại theo hướng xanh lành. Điều này thể hiện rõ trong khảo sát của Kantar Singapore với 61% người tiêu dùng Việt Nam chọn thực phẩm từ thực vật vì họ tin rằng những thực phẩm đó tốt cho sức khỏe hơn, và 75% sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững.
Có thể thấy, sự thân thiện với môi trường của xu hướng ăn xanh uống lành cũng là một động lực khiến người trẻ quyết tâm hành động. Thực tế, khi bạn càng tiêu thụ nhiều thực phẩm từ thực vật, lượng phát thải khí nhà kính của bạn càng thấp, vì loại thực phẩm này cần ít nước và năng lượng hơn để sản xuất. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu của Đại học Loma Linda (Mỹ), những người ăn chay trường và ăn chay tạo ra ít phát thải khí nhà kính hơn 30% so với những người ăn thịt.
Đặc biệt, đậu nành còn được xem như nguồn thực phẩm xanh đại diện cho lối sống bền vững. Cụ thể hơn, đậu nành cung cấp nhiều đạm hơn trên mỗi đơn vị khí thải nhà kính. Thông tin này được tiến sĩ Mark Messina Giám đốc Nghiên cứu Dinh dưỡng Đậu nành, Viện Dinh dưỡng Đậu nành toàn cầu, Hoa Kỳ tại Hội thảo Dinh dưỡng thực vật do Vinasoy và Viện Dinh dưỡng đồng tổ chức. Bên cạnh đó, lợi ích của việc trồng đậu nành bằng giống và quy trình của Vinasoy cũng đã được ông Nguyễn Minh Thành, Phó trưởng Phòng Nông Nghiệp - Phát Triển Nông Thôn huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long xác nhận: “Sau khi thu hoạch đậu nành, trong đất vẫn còn những nốt sần của rễ cây, vỏ đậu… có tác dụng cố định đạm, nhờ đó giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng nên cây lúa được trồng ở vụ sau đó phát triển tốt hơn.”
Không chỉ riêng người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng này. Là nhà sản xuất gắn bó với hạt đậu nành hơn 25 năm, Vinasoy không ngừng cải tiến hệ thống vùng nguyên liệu và chuỗi công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm những tác động đến môi trường. Trong năm 2023, Vinasoy tiếp tục đồng hành cùng chương trình “Sữa học đường” - trao tặng hơn 400.000 hộp sữa đậu nành cho 63 điểm trường ở Sóc Trăng. Qua đó, Vinasoy không chỉ đem đến nguồn dinh dưỡng thiết yếu, mà còn cung cấp thêm kiến thức bổ ích và cảm hứng xây dựng lối sống cân bằng thông qua dinh dưỡng thực vật.