Điều trị ung thư não bằng nọc bọ cạp

Cty công nghệ sinh học "TransMolecular" tại Boston (Mỹ) đang tiến hành thử nghiệm phương pháp điều trị bệnh ung thư não bằng nọc độc của loài bọ cạp vàng, thường thấy tại Israel, kết hợp với hoạt chất phóng xạ có tên i-ốt 131.

Các chuyên gia sinh học nhận thấy rằng nọc của loài bọ cạp vàng thường phát huy độc tính qua một loại tế bào cụ thể trong cơ thể sống. Loại tế bào này lại có chung nguồn gốc phôi với loại tế bào làm nảy sinh khối u trong não người bệnh.

Các chuyên gia cho rằng nọc độc của bọ cạp vì thế có thể hạn chế sự phát triển của khối u trong não người bệnh. Sau khi đạt được kết quả thử nghiệm khả quan trên chuột, "TransMolecular" dự định sẽ tổng hợp nọc độc của bọ cạp vàng thành hoạt chất có tên TM-601, sau đó kết hợp với chất phóng xạ i-ốt 131 để tiêm trực tiếp vào não người bệnh.

Tuy nhiên, do độc tính cao, việc sử dụng nọc bọ cạp cũng như hoạt chất phóng xạ để chữa bệnh cần được nghiên cứu sâu hơn để tìm ra liều lượng phù hợp, đủ để tiêu diệt các tế bào bệnh mà không làm tổn thương tới các tế bào bình thường khác.