“Điểm tựa” cho hộ nghèo tại Đắk R’lấp

Bằng nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), nhiều hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, từng bước nâng cao cuộc sống.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp giao dịch với người dân tại Điểm giao dịch xã Đắk Sin

Nhiều hộ nghèo được vay vốn ưu đãi

Vụ thu hoạch năm vừa rồi, vườn cà phê hơn 1ha của gia đình anh Y Nhơn ở xã Đắk Sin cho năng suất khá cao. Với sản lượng hơn 4 tấn nhân, cao hơn 1 tấn so với mấy năm trước đây. Theo anh Y Nhơn, để có được kết quả này, gia đình đã chú trọng đầu tư vào khâu chăm sóc vườn cây. Sau khi được NHCSXH giải ngân vốn vay vào đầu năm 2020, gia đình anh đã mua phân bón chất lượng để bón cho cà phê.

Vào những đợt khí hậu khô, gia đình mua thêm ống tưới về để phục vụ nước kịp thời cho cây trồng. “Khi cung cấp đủ các yếu tố cần thiết, vườn cà phê phát triển khá tốt, năng suất tăng cao”, anh Y Nhơn chia sẻ.

Được biết, cách đây 2 năm, do không có chi phí để đầu tư, hơn 1ha cà phê của gia đình anh phát triển kém, năng suất đạt thấp. Mỗi năm, gia đình chỉ dành dụm được số tiền ít ỏi từ công việc làm thêm thợ hồ của anh để mua phân bón. Đến vụ thu hoạch, năng suất vườn cây đạt thấp. Thêm vào đó, chi phí đầu tư tăng lên nên hầu như không có lợi nhuận.

Đầu năm 2020, gia đình anh được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng vốn vay hộ nghèo. Có nguồn vốn, anh mạnh dạn mua phân bón, các dụng cụ phục vụ cho nhu cầu tưới. Anh thường xuyên tham gia thêm các lớp tập huấn về chăm sóc cà phê do địa phương tổ chức. Được đầu tư bài bản, có thêm kiến thức chăm sóc nên vườn cà phê phát triển khá tốt.

Anh Y Nhơn cho biết: “Với đà đạt năng suất như năm vừa rồi, khoảng ít vụ thu hoạch cà phê nữa là gia đình tích góp trả được vốn cho ngân hàng. Sau khi trả hết chương trình này, gia đình mong muốn được phía ngân hàng tạo điều kiện vay vốn thêm các chương trình khác để kinh tế vững vàng hơn”.

Cũng được vay vốn qua NHCSXH từ chương trình hộ mới thoát nghèo, gia đình bà Lê Thị Mai dùng để đầu tư vào vườn cà phê. Các năm trước, vườn cà phê của gia đình bà Mai chỉ đạt năng suất 2,5 tấn/ha. Vụ mùa năm 2020, năng suất vườn cây tăng lên 4,4 tấn/ha. Theo bà Mai, trước đây, gia đình vừa thiếu vốn đầu tư, vừa ít tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng nên năng suất kém. Sau khi được vay vốn NHCSXH, gia đình tập trung chăm sóc vườn cây nên năng suất cao hơn hẳn.

Theo UBND xã Đắk Sin, toàn xã hiện có hơn 860 hộ vay vốn, với dư nợ tín dụng chính sách trên 45 tỉ đồng. Trong các thành viên vay vốn, không phải ai cũng có ý thức chấp hành tốt việc trả gốc, lãi, cũng như phát huy hiệu quả vốn vay. Quan trọng là nhờ cách thức tuyên truyền, vận động của các tổ chức hội, cũng như địa phương. Tùy vào từng trường hợp, hoàn cảnh để linh hoạt trong các vận động. Mục tiêu cuối cùng là làm sao để các hộ vay hiểu được mục đích, ý nghĩa của vốn vay, từ đó, tự giác chấp hành đúng quy định.

Giải ngân vốn nhanh

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp Mai Văn Nam cho biết: Đến nay, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt gần 384 tỉ đồng, với gần 9.000 hộ vay vốn. Hàng năm, trên cơ sở danh sách bình xét ở cấp xã, thị trấn, đơn vị tổng hợp, kiểm tra, phân bổ vốn để giải ngân.

Hầu hết, các hồ sơ vay vốn đều được làm thủ tục giải ngân ngay trong tháng tại Điểm giao dịch xã. Sau khi nguồn vốn cho vay, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn thường xuyên kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn tại các gia đình. Tình trạng sử dụng vốn sai mục đích vì thế cũng không xảy ra trên địa bàn.

Hàng tháng, vào các cuộc họp giao ban với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác lồng ghép nội dung tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi để người dân có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế. Nhờ đó, bà con sử dụng vốn rất hiệu quả. Quá trình thu lãi, nợ đến hạn tại đơn vị khá tốt.

Trong kế hoạch, từ nay đến hết năm 2021, với mục tiêu không để các hộ có nhu cầu bị thiếu vốn sản xuất, Phòng giao dịch tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục giải ngân. Phấn đấu đến hết 15.12.2021, tất cả các hồ sơ vay vốn đều được đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn vay, nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất cho bà con.