'Đi đêm' lãi suất USD
> Đồng USD phục hồi tại châu Á sau phiên giảm kỷ lục
Tình trạng tăng lãi suất (LS) huy động USD vượt xa LS trần ngày càng gia tăng mạnh trong hệ thống ngân hàng (NH) thời gian gần đây, làm nảy sinh lo ngại mất thanh khoản ngoại tệ và tác động đến tỷ giá.
Huy động USD lên 5%/năm
"Sự lỏng lẻo đầu ra cho vay ngoại tệ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vay USD bán lấy tiền đồng gửi NH hưởng LS chênh lệch tới 15%/năm"
TS Lê Thẩm Dương Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), huy động vốn bằng ngoại tệ trong 2 tháng gần đây có xu hướng giảm mạnh: tháng 5 giảm 6,03% so với tháng 4, tháng 6 giảm 5,88% so với tháng 5. Trong khi đó tín dụng ngoại tệ tháng 5 tăng 3,83% so với tháng 4, tăng 20,54% so với cuối năm 2010; tháng 6 tăng 2,3% so với tháng 5, tăng 23,31% so với cuối năm 2010.
Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cảnh báo sự mất cân đối giữa nguồn và sử dụng nguồn ngoại tệ trên thị trường ngoại hối hiện nay. Các NH không huy động được USD khi LS huy động USD quá thấp so với LS tiền đồng. “Miếng bánh” ngoại tệ huy động trên thị trường hiện nay không còn nhiều khi NHNN mua vào lượng ngoại tệ dư thừa trên thị trường để tăng dự trữ ngoại hối thêm 4,8 tỉ USD. Do đó tốc độ tăng LS huy động của các NH ngày càng nhanh. Một số NH “phá rào” tăng LS huy động USD lên gấp 150% so với LS trần quy định để hút ngoại tệ về.
Anh Nam (ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, vừa “trả giá” LS gửi ngoại tệ với một NH cổ phần lớn lên 5%/năm thay vì mức 2%/năm như NH công bố. Theo thú nhận của giám đốc NH cổ phần khác, chuyện khách hàng và NH "đi đêm" thỏa thuận LS huy động USD đã tái phổ biến. Tại NH này, khách hàng gửi trên 5.000 USD, LS huy động là 3%/năm, còn trên 10.000 USD là 4%/năm. Lượng khách hàng vay USD đang tăng lên trong khi huy động USD với mức LS 2%/năm trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, các khách hàng gửi ngoại tệ đến kỳ đáo hạn có xu hướng chuyển sang tiền đồng gửi để hưởng LS cao hơn. Trong khi đó nhu cầu vay USD lại tăng cao bởi LS cho vay USD khoảng 7 - 8%/năm thấp hơn nhiều so với LS cho vay tiền đồng từ 19 - 22%/năm. Đó là lý do, các NH phải tăng vượt trần huy động để hút USD.
Theo nhận xét của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH), nếu tình hình trên vẫn còn tiếp diễn thì thanh khoản ngoại tệ của các NH thương mại trong những tháng tới sẽ căng thẳng. Cầu ngoại tệ trên thị trường tăng cao khi các khoản nợ của hợp đồng tín dụng đến hạn thanh toán. Ngoài ra nhu cầu USD cuối năm cho các hoạt động thanh toán hàng hóa dịch vụ, các NH đến hạn trả nợ cho các tổ chức nước ngoài... cũng tăng. Trong khi nguồn ngoại tệ cuối năm sẽ khó dồi dào khi sự dịch chuyển từ USD sang tiền đồng sẽ còn tiếp diễn nên nguồn USD trong NH càng giảm. Lúc đó sẽ tác động đến tỷ giá.
Tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ
Vừa qua, để hạn chế cho vay ngoại tệ, NHNN đã quy định tổ chức tín dụng cho khách hàng vay ngoại tệ với điều kiện phải có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ hoặc được NH cam kết bằng văn bản bán ngoại tệ. Trong bối cảnh các NH đang dư thừa nguồn ngoại tệ mua được trên thị trường thì việc cam kết bán ngoại tệ là quá dễ để doanh nghiệp có thể vay ngoại tệ.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng: “Sự lỏng lẻo đầu ra cho vay ngoại tệ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vay USD bán lấy tiền đồng gửi NH hưởng LS chênh lệch tới 15%/năm. Chính vì vậy mà tốc độ cho vay ngoại tệ tăng nhanh và khả năng dẫn đến sự mất cân đối lớn giữa nguồn và sử dụng nguồn ngoại tệ”.
Trong văn bản gửi NHNN gần đây, HHNH đưa ra kiến nghị một số giải pháp cụ thể trước mắt như sửa Thông tư 07 theo hướng thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ và chỉ cho những doanh nghiệp có khả năng tái tạo ngoại tệ vay. Còn doanh nghiệp không có khả năng tái tạo ngoại tệ thì xử lý bằng phương thức mua - bán. Ngoài ra, hiện nay nguồn ngoại tệ các NH mua được rất lớn nhưng các NH không giữ được vì NHNN vừa giảm trạng thái ngoại hối của các NH từ 30% xuống 20% trạng thái ngoại hối. Do vậy tạm thời mở rộng trạng thái ngoại hối.
Theo ông Lê Thẩm Dương, giảm LS tiền đồng để khuyến khích DN vay tiền đồng thay vì vay USD trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay rất khó. Để giải quyết tình hình trên thị trường ngoại hối hiện nay, không thể tăng LS huy động USD lên vì mục đích chống đô la hóa, thay vì vậy NHNN có thể tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ lên 10% (hiện nay là 7%). Lúc đó chi phí vốn ngoại tệ NH tăng lên đẩy LS cho vay USD tăng kéo khoảng cách chênh lệch LS vay USD và tiền đồng ngắn lại. Lúc đó các DN sẽ cân nhắc việc vay USD hay tiền đồng. Một chuyên gia tài chính khác cũng kiến nghị tăng dự trữ bắt buộc lên nhưng ở mức cao hơn, khoảng 15%.
Theo Thanh Xuân
Thanh Niên