Đau đầu do “xì-chét”

Ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám vì đau đầu và nguyên nhân là yếu tố stress và các bệnh lý tâm căn. Theo các nhà khoa học (Nick, Ahmed Okasha), đây là loại đau đầu phổ biến nhất, chiếm khoảng 52% số ca đau đầu tới khám bệnh.

N.T.T., nữ, 34 tuổi, là công nhân may mặc tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, đến khám với triệu chứng thường xuyên đau đầu và mất ngủ. Các triệu chứng kéo dài hơn một tháng với các cơn đau đầu thường xuyên, kèm theo đó là mệt mỏi, căng thẳng và mất ngủ.

Bệnh nhân than rằng điều đó làm bà không thể tập trung và gây khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của mình. Cứ mỗi lần đau đầu bà lại đi mua thuốc giảm đau tự điều trị, cơn đau đầu giảm dần nhưng sau đó tái phát và trầm trọng hơn.

Bà cho biết gần đây do áp lực phải làm ca nhiều, tiếng ồn và sự không ổn định trong giờ giấc làm bà rất mệt mỏi. Bên cạnh đó giá cả tăng, với đồng lương eo hẹp hai vợ chồng gặp khó khăn khi nuôi hai đứa con đang đi học cộng với chi phí gia đình. Các yếu tố đó làm bà luôn căng thẳng và rơi vào trạng thái stress.

Bà được cho làm các cận lâm sàng không phát hiện dấu hiệu đặc biệt. Vì thế các bác sĩ chẩn đoán bà rơi vào trạng thái suy nhược với stress kéo dài nên mắc chứng đau đầu do căn nguyên tâm lý.

Mỗi người một kiểu

Biểu hiện lâm sàng của đau đầu do căn nguyên tâm lý đa dạng, không có đặc tính chủ đạo chung. Tính chất của đau đầu căn nguyên tâm lý là tính không ổn định tùy theo từng giai đoạn bệnh, thể bệnh, trình độ học vấn và tính cách của bệnh nhân mà đau đầu được mô tả ở các dạng khác nhau, có khi rất kỳ quặc, thông thường bệnh nhân kêu nặng đầu, cảm giác kỳ lạ tồn tại trong đầu.

 Họ có thể giải quyết tình trạng đau đầu qua thư giãn 

Bệnh nhân có cảm giác bực bội xa lạ trong đầu, không có vị trí cố định, không tương đương với mạch máu hay dây thần kinh nào, đau không thường xuyên, có khi thành cơn, có khi âm ỉ dai dẳng.

Bệnh nhân có trạng thái lo âu, hoảng sợ buộc họ phải dùng nhiều thuốc giảm đau nhưng thường ít hiệu quả.

Có người có cảm giác kiến bò trong đầu, căng đầu bị ép, bị nén, bị đóng đinh trong đầu, như búa bổ vào đầu..., có bệnh nhân có cảm giác như nước chảy trong đầu, có bong bóng ở trong não.

Có bệnh nhân lại mô tả cảm giác nóng rát, cháy bỏng. Những cảm giác trên có khi lan tỏa xuống đến chân.

Stress và những áp lực tâm lý thường là nguyên nhân chủ đạo của đau đầu dạng này. Việc gặp các tình huống stress, làm việc căng thẳng, lo âu, trầm cảm phản ứng, suy nghĩ căng thẳng, phiền muộn đều gây trạng thái căng cơ vùng đầu gây căng cứng các màng, các sợi, các mạch máu trong đầu gây nên đau đầu mất ngủ. Mất ngủ lại càng làm tăng thêm đau đầu và nó như vòng luẩn quẩn mà bệnh nhân khó thoát ra khỏi trạng thái bế tắc.

Phần lớn những người này thường không biết thư giãn, không có sự thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt là những người có tính cách cứng nhắc, không uyển chuyển, không hòa đồng. Họ thường thu mình lại, thậm chí còn căng cứng, giận dữ khi gặp tình huống căng thẳng, gây bực bội. Chính điều đó tạo áp lực lớn và là động lực của những cơn đau đầu do tâm lý.

Thư giãn

Đau đầu dạng này thường do các yếu tố tâm lý mang lại khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái suy nhược và suy nhược thần kinh. Chính vì thế phần lớn bệnh nhân đau đầu dạng này thường lành tính. Họ có thể giải quyết tình trạng đau đầu qua thư giãn hoặc được hướng dẫn thư giãn.

Bên cạnh đó, việc huấn luyện để quản lý stress, giảm căng thẳng, thay đổi cách sống như tập thiền, yoga, thể dục... là các phương pháp quan trọng để người rơi vào stress có thể tự thoát ra khỏi tình trạng đó.

Người bệnh đau đầu này cũng rất nhạy cảm với các loại thuốc hay chất giải lo âu, rượu, thuốc lá... Nhưng các chất này rất dễ gây tình trạng lạm dụng và nghiện ngập, có khi tác dụng ngược lại. Chính vì thế, khi bị đau đầu do stress không nên lạm dụng các chất trên để mong được giải tỏa, điều đó càng gây nguy hại hơn.

Khi đã không kiểm soát nổi các cơn đau đầu tâm căn bằng các liệu pháp thư giãn, người bệnh hãy đến các đơn vị chuyên khoa tâm thần kinh để được các nhà chuyên môn hỗ trợ. Việc triển khai phối hợp liệu pháp hóa dược và tâm lý thường mang lại hiệu quả tối ưu.

Nhiều trường hợp có thể chỉ giải quyết bằng các liệu pháp tâm lý cũng mang lại tác dụng như mong muốn. Tuy nhiên, việc quản lý stress và không để rơi vào tình trạng đau đầu mới quan trọng và có tác dụng lâu dài.

Theo Lê Minh Công (BV Tâm thần T.Ư 2)
Tuổi Trẻ