Chính xác hơn phải nói, ông Nguyễn Quốc Triệu là Chủ tịch LĐBĐ Hà Nội nhiệm kỳ 2002-2006. Tức là tới nay Ban chấp hành LĐBĐ Hà Nội trên thực tế đã “quá hạn” 12 năm, chưa được bầu lại.
Trong khi đó, Nghị định 45/CP của Chính phủ năm 2010 và các văn bản khác có liên quan về quản lý hoạt động hội, một hội sẽ bị giải thể nếu 12 tháng liền không hoạt động. Nói cách khác, LĐBĐ Hà Nội chỉ tồn tại “hữu danh vô thực”, không đảm bảo tiêu chuẩn của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp.
Theo tìm hiểu, tình trạng này không chỉ có ở Hà Nội mà còn xảy ra tại nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là những LĐBĐ kiểu này vẫn được LĐBĐVN (VFF) chấp nhận tư cách thành viên, cho giới thiệu, bầu cử tại các kỳ Đại hội và sắp tới sẽ là Đại hội 8 VFF. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng lá phiếu của những tổ chức này có đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn người tài cho VFF hay không?
Cơ cấu nhân sự lãnh đạo chủ chốt VFF nhiệm kỳ 8 lâu nay vốn đã bị đánh giá là “đông nhưng không tinh”. Cá biệt có những trường hợp là cán bộ nghỉ hưu, trước đây thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ VH-TT&DL, quá trình công tác để đơn vị vướng vào nhiều lùm xùm nhưng vẫn được Bộ cho ra tranh cử. Đến chuyện của các liên đoàn thành viên VFF như trên nhưng Bộ VH-TT&DL cũng không có động thái nào “nhắc” VFF để xem xét, kiểm tra lại.
Xâu chuỗi những vấn đề trên, không thể không lo lắng cho chất lượng của Đại hội 8 VFF sắp tới. Một liên đoàn quan trọng như VFF nhưng từ khâu tổ chức tới cơ cấu nhân sự đều có điểm chưa thỏa đáng, nếu cho tổ chức lúc này thì có phải đại hội hay chỉ là “hội đại” không?