Bất ngờ hậu báo cáo tài chính kiểm toán 2022
2022 có thể xem là năm nhiều khó khăn với ngành thép. Nhiều 'đại gia' ngành này Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) hay Nam Kim (NKG), Pomina (POM) đều khá chật vật... Nhiều doanh nghiệp còn lỗ nặng sau kiểm toán hoặc phải xin gia hạn báo cáo kiểm toán 2022.
Trong đó, Thép Pomina là doanh nghiệp lỗ nặng nhất ngành thép với lợi nhuận âm 1.169 tỷ đồng năm 2022. Riêng trong quý IV, công ty này lỗ tới 460 tỷ đồng. Trong khi năm 2021, Pomina vẫn lãi 206 tỷ đồng.
Lý giải về bức tranh kinh doanh xám xịt, lãnh đạo Pomina cho biết, do tín dụng ngân hàng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh... trong khi giá nguyên vật liệu nhập về còn cao, trên thị trường nhu cầu tiêu thụ thép sụt giảm khiến cho công ty gánh lỗ lớn trong kỳ.
Sau năm lỗ kỷ lục, hồi tháng 2 vừa qua, HĐQT POM đã thông qua Nghị quyết bổ nhiệm ông Đỗ Duy Thái - thành viên HĐQT - giữ chức Chủ tịch HĐQT, thay ông Đỗ Tiến Sĩ.
Ngày 31/3 là hạn cuối cùng các doanh nghiệp niêm yết nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán, tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, Thép Pomina đã có công văn xin gia hạn.
Theo lãnh đạo Pomina, hiện tại việc thu thập các xác nhận từ nhà cung cấp nước ngoài của phía kiểm toán chưa đầy đủ, dẫn tới công ty chưa thể hoàn thành theo thời hạn nộp BCTC đã kiểm toán theo quy định.
Một doanh nghiệp ngành thép khác là Công ty CP B.C.H (BCA) còn vừa gây sự chú ý trên sàn chứng khoán khi chuyển từ lãi sang lỗ nặng, gần 74 tỷ đồng sau kiểm toán.
Cụ thể, trong báo cáo tự lập, doanh nghiệp này báo lãi 1,75 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau kiểm toán, lợi nhuận chuyển sang âm gần 74 tỷ đồng. Nguyên nhân được ban lãnh đạo B.C.H cho biết do thiếu sót trong báo cáo tài chính quý IV/2022 chưa trích lập dự phòng các khoản thu khó đòi, dẫn đến lợi nhuận âm, giảm tới 4323% so với trước kiểm toán.
"Công ty xin rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không tái phạm trong báo cáo tài chính thời gian tới", lãnh đạo B.C.H cho biết.
Trường hợp Công ty CP Thép Nam Kim (mã: NKG), số lỗ cũng tăng gấp đôi sau kiểm toán. Cụ thể, sau kiểm toán, NKG ghi nhận khoản lỗ gần 124,7 tỷ đồng, gấp đôi so với mức lỗ 66,7 tỷ đồng trong báo cáo tự lập. Giải trình, ban lãnh đạo NKG cho biết do giá vốn hàng bán tăng.
Đại gia cũng phải kêu
Khó khăn của ngành thép không "miễn nhiễm" với những Tập đoàn lớn như Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ. Theo kế hoạch niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu thuần 46.399 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất 1.500 tỷ.
Tuy nhiên, dù vượt 7% kế hoạch doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 251 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch.
Dự báo ngành thép còn tiếp tục khó khăn trong 2023, lãnh đạo Hoa Sen đã đưa ra kế hoạch thụt lùi so với năm trước, với 2 kịch bản.
Ở kịch bản thứ nhất, doanh thu sẽ đạt 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023, với giả định sản lượng thành phẩm 1,5 triệu tấn.
Với kịch bản sáng sủa hơn, doanh nghiệp này ước tính doanh thu đạt 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, với giả định sản lượng thành phẩm 1.6 triệu tấn.
Còn tại báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành thép - cho biết, mặc dù dịch COVID- 19 đã được đẩy lùi nhưng chiến tranh, lãi suất, lạm phát, tỷ giá đã tạo thành lốc xoáy cuốn bay thành quả tích lũy của nhiều nền kinh tế.
“Hòa Phát lần đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ sâu liên tiếp trong 2 quý cuối năm 2022”, ông Long cho biết.
95% doanh thu lợi nhuận của Hòa Phát đến từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép. Chính vì thế doanh thu năm 2022 của Tập đoàn chỉ đạt 89% kế hoạch đề ra, giảm 5% so với năm 2021. Lợi nhuận cả năm 2022 là 8.444 tỷ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch.
Phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023, ông Trần Đình Long nhận định "Giai đoạn khốc liệt nhất ngành thép đã qua". Tuy nhiên, theo ông này, tương lai ngành này như thế nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường…