Vụ ‘Chuyến bay giải cứu’

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bất ngờ xin giảm nhẹ hình phạt thay vì kêu oan

TPO - Ngoài thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên liên quan vụ án 'Chuyến bay giải cứu') còn có đơn xin nộp khắc phục hậu quả, đồng thời, xin xét xử vắng mặt.

Nhờ người thân nộp tiền khắc phục hậu quả, xin xử vắng mặt

Dự kiến ngày 25/12, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm 22 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu".

Tuy nhiên trong ngày hôm nay 23/12, luật sư cho biết, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đã xin thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, bị cáo Hưng cũng có nhờ người thân, bạn bè nộp tiền nhằm khắc phục hậu quả vụ án. Đồng thời, viết đơn xin được xét xử vắng mặt trong phiên phúc thẩm.

Hồi tháng 7 khi xét xử sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng là người duy nhất trong số 54 bị cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội.

Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, sau khi vụ án “chuyến bay giải cứu” được khởi tố, các bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (đều là Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) đã liên hệ nhờ cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) “tìm cửa” chạy án.

Để thực hiện ý đồ, Hằng và Sơn đưa 2,8 triệu USD cho ông Tuấn, song tài liệu điều tra thể hiện, ông Tuấn chỉ nhận hơn 2,65 triệu USD. Sau khi nhận tiền, ông Tuấn khai đưa hết cho Hoàng Văn Hưng, để Hưng “lo lót” điều tra viên, Viện kiểm sát…

Suốt phần xét hỏi, Hưng nhiều lần thắc mắc, đề nghị Viện kiểm sát làm rõ mâu thuẫn “về số tiền ông Tuấn đưa cho Hưng là hơn 2,65 triệu USD, trong khi Viện kiểm sát chỉ cáo buộc Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD (hơn 18,8 tỷ đồng). Vậy hơn 1,8 triệu USD còn lại đang ở đâu?”

"Tôi đề nghị Viện kiểm sát phải chứng minh số tiền 1,8 triệu USD đã đi đâu về đâu, liệu có phải ông Tuấn cũng lừa đảo không?", bị cáo Hưng nói và đặt dấu hỏi rằng "nếu ông Tuấn đã nộp lại 1,8 triệu USD thì có phải cũng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?".

Đối với số tiền 800.000 USD bị cáo buộc lừa đảo, Hưng liên tục đề nghị Viện kiểm sát phải chứng minh cụ thể từng lần “đưa nhận tiền như thế nào, ở đâu, đưa vào ngày, giờ nào”

Riêng số tiền 450.000 USD đựng trong chiếc cặp số ông Tuấn nhờ người chuyển cho Hưng, cựu điều tra viên này cũng đề nghị viện kiểm sát nêu ra "căn cứ nào mà viện kiểm sát xác định trong cặp chứa 450.000 USD".

Theo Hưng phân tích, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng còn có dấu hiệu của tội “không tố giác tội phạm” khi không tố cáo hành vi của bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blusky).

Bị cáo Hoàng Văn Hưng.

Hành vi của Hoàng Văn Hưng đã phản bội đồng đội, đồng chí

Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội trong phiên sơ thẩm đã khẳng định "bị cáo Hoàng Văn Hưng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 800 nghìn USD.”

Theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Hưng là điều tra viên cao cấp, trưởng phòng trực tiếp chỉ đạo Tổ điều tra viên điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”. Trong khi các điều tra viên ngày đêm thu thập chứng cứ, quyết liệt đấu tranh làm rõ các hành vi phạm tội để xử lý theo quy định thì bị cáo Hưng với vai trò là người chỉ huy, đứng đầu lại đi tiếp xúc, hướng dẫn các đối tượng có hành vi vi phạm để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

“Hành vi này không chỉ phản bội lại đồng chí, đồng đội, truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân và các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, mà gây mất uy tín của lực lượng điều tra nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung. Hơn thế nữa bản thân bị cáo biết rõ nếu Hằng và Sơn cùng ra tự thú, khai báo thành khẩn sẽ được pháp luật khoan hồng, nhưng lợi dụng lòng tin của những người này khai báo gian dối, liên tục đưa ra thông tin sai sự thật để yêu cầu họ đưa tiền nhằm chiếm đoạt” - đại diện Viện kiểm sát nêu.

Vẫn theo đại diện Viện kiểm sát, nội dung vụ án thể hiện các bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng không có mối quan hệ làm ăn, không có mâu thuẫn gì với Hưng. Bị cáo Tuấn không phải là đạo diễn, nhà biên kịch để có thể tạo ra một kịch bản hoàn hảo như tôi đã nêu trên để vu oan giá hoạ cho Hưng. Do đó việc xác định bị cáo Hưng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 800 nghìn USD của Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng là có căn cứ.

“Mặc dù Viện kiểm sát đã áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng trong trường hợp này thấy không có căn cứ áp dụng”- đại diện Viện kiểm sát nêu trước toà sơ thẩm.

Vị đại diện Viện kiểm sát cho biết thêm, Hưng là người am hiểu pháp luật nhất trong các bị cáo ngồi đây nên phải nhận thức được toàn bộ sai phạm của mình, ăn năn hối cải để sửa chữa, giải cứu lương tâm, đạo đức của mình, thì bị cáo lại sử dụng kiến thức đó nhằm đối phó, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tại phiên toà, bị cáo luôn quanh co chối tội, có thái độ không phối hợp, xúc phạm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát gây áp lực với bị cáo khác.

“Căn cứ kết luận điều tra và thẩm vấn công khai tại phiên toà, Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm luận tội, đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện, xem xét thái độ, mức độ phạm tội của bị cáo Hoàng Văn Hưng để cân nhắc ra một bản án nghiêm minh đúng pháp luật” - đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm tranh tụng.

Khi tuyên án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã phạt Hoàng Văn Hưng tù chung thân.