Cuộc sống hiện tại của NSƯT Thanh Tú vai chị Nhu Sao Tháng Tám'

“Con gái cũng như tôi, lấy chồng thì hết lòng vì chồng, vì con. Con trai tôi ở bên Pháp 40 năm nay, thành… “ thằng tây” rồi”, nữ diễn viên nổi tiếng của bộ phim “Sao Tháng Tám” trải lòng về cuộc sống dư dả vật chất nhưng cô đơn ở cái tuổi gần đất xa trời.
Thanh Tú vai chị Nhu trong phim "Sao Tháng Tám"

Bà từng chia sẻ là bà có tình cảm đặc biệt với những vai diễn về gia đình như người vợ, người mẹ. Trước đây, khán giả cũng quen với NSƯT Thanh Tú với những vai chính diện, dịu dàng, kiên cường, đảm đang nhưng càng về sau này bà lại đóng những vai diễn có tính cách trái ngược?

Trước kia tôi hay đóng vai người yêu, vợ, bà chị, người mẹ. Tất cả những nhân vật ấy đều là nhân vật chính diện. Nhưng đến khi có tuổi, từ bộ phim “Bà nội không ăn bánh pizza” đạo diễn cho mình đóng vai bà già, mà tôi cứ đùa rằng “bà già quái thai”. Từ đó, tôi bị “định hình” luôn, thế có khổ không cơ chứ.

Tôi có cô bạn, diễn viên Thanh Quý. Thanh Quý đóng những nhân vật nữ rất đáng yêu, sau một lần cô đóng vai ác thế là sau đó được mời vào một loạt vai đanh đá, chua ngoa.

Đấy là chia sẻ thế, còn tôi nghĩ như thế này: mình cứ thay đổi cách diễn đi. Bây giờ, tôi đóng những nhân vật có tuổi một chút nhưng mà nhân vật có tính cách.

Từ những vai chính diện, chuyển sang vai “lệch”, bà có gặp khó khăn gì không?

Tôi thích, vì mình được diễn nhiều vai. Giờ cứ có vai bà già nào cá tính một tí, điệu đà một tí là họ gọi đến tôi. Trước, tôi không bị mang tiếng là người diễn điệu đâu, nhưng bây giờ người ta lại bảo “điệu quá, điệu quá, bớt đi”.

Vừa rồi đạo diễn Mỹ Anh cũng bảo: “Tú ơi, bớt điệu đi nhé!” Tôi có bao giờ diễn điệu đâu, giờ lại biến thành bà già điệu đà mất rồi.

Tôi làm nghề thì vao nào cũng diễn được. Tôi không làm hề, nhưng hài tình huống, hài riêng của diễn viên thì tôi cũng tham gia.

Tôi cứ đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật. Nếu vào vai nhà sư thì đi đứng, nói năng như thế nào? Nếu là một người nông dân thì mình như thế nào?... Con người nghệ thuật và con người thật của mình khác nhau nhiều lắm.

Vậy phản ứng của khán giả thế nào khi bà đóng vai điệu đà, đỏm dáng?

Tôi không thấy ai nói gì. Bạn tôi thì đùa bảo: “Điệu đà thế này, đúng mụ Tú!”

Tôi đóng vai gì hình như khán giả cũng công nhận. Khi tham gia phim “Khi chàng trai yêu”, tôi vào vai một bà mẹ chồng nanh nọc, khó tính nhưng lại lãng mạn, yêu đương, hát nhạc vàng… Tôi nghĩ khi diễn mình cứ lột tả chân thật thì khán giả sẽ chấp nhận.

Các con bà thì sao, họ nói gì khi mẹ tuổi xế chiều lại vào vai “bà già quái thai”?

Con tôi ít tham gia vào công việc của tôi. Con tôi cũng không theo nghề của mẹ. Họ nhà tôi cũng không có ai làm lĩnh vực nghệ thuật, diễn xuất. Nhà tôi 8 anh chị em, rồi con dâu con rể, cháu chắt…nhưng không ai thích nghề này.

Ngày xưa, tôi đi diễn, mọi người còn đi xem. Giờ tôi đi diễn, con cháu cũng chẳng đi xem. Thỉnh thoảng buồn tay bật tivi lên thấy mình thì bảo: “Ố, hôm qua em nhìn thấy chị, thế thôi!”

Ngày xưa đi diễn sân khấu, tôi cũng mang con, cháu đi vạ vật suốt ngày. Giờ chúng trưởng thành, bận rộn cả rồi.

Với nhiều nghệ sĩ ở thế hệ của bà, trải qua thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất thường bị lãng quên và tiếc nuối. Còn bà, bà từng để đời với vai diễn chị Nhu- nữ cán bộ cách mạng trong bộ phim “Sao tháng Tám”, giờ nghĩ lại thời đỉnh cao đó bà có cảm thấy nuối tiếc?

Tôi không tiếc. Tôi không ngoái lại cái gì hết, cái gì đã qua tôi cho qua. Tôi có quan niệm thế này: “Vui vẻ chờ Tết đến/ Thanh thản tiễn Tết đi/Yêu những điều không muốn/ Tâm nhàn như mây trôi”. Mọi sự nó sẽ đến, mình cứ vui vẻ thôi.

Ví dụ, ai muốn cô đơn? Ai muốn bệnh tật? Mình cứ vui vẻ chấp nhận. Tôi cũng không nghĩ nhiều đến quá khứ để nuối tiếc. Cái gì cũng có thời điểm của nó. Thời điểm ấy mình đã làm được đến như thế…

 NSƯT Thanh Tú thời trẻ

Ở cái tuổi không còn trẻ nhưng còn sức khỏe, kinh tế không phải lo nghĩ nhiều nhưng sao vẫn có cảm giác đằng sau nụ cười tưởng như tếu táo, điệu đà của NSƯT Thanh Tú vẫn gợn lên nỗi buồn, những tâm sự được chôn sâu dưới đáy mắt?

Đúng. Nhưng mà nghĩ cho cùng thì ai cũng có những nỗi buồn. Tôi buồn chứ, buồn lắm, buồn nhiều thứ. Không ai thích sống cô đơn như thế này.

Ai cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Mình muốn cuộc sống của mình yên ổn hơn. Thật ra mà nói, tôi là con người của gia đình, không phải con người của xã hội. Tôi lúc nào cũng đặt quyền lợi gia đình, con cái lên trên hết. Giờ có đứa cháu ngoại thì cũng đặt đứa cháu lên trên.

Lẽ sống của tôi là con, là cháu, là gia đình nhưng mình lại phải sống cô đơn.

Bây giờ, bản thân mình tự hóa giải điều đó đi. Tôi theo đạo phật, nên cũng hóa giải những nỗi buồn. Con người khi chào đời bằng tiếng khóc vì cuộc đời nhiều cái buồn. Tôi vẫn nói với con tôi thế này: “Sống như thế nào để khi con chào đời thì mọi người cười con khóc, nhưng khi nhắm mắt lìa đời thì mọi người khóc con cười”.

Bà nặng lòng, suy nghĩ nhiều là vì con cái?

Đối với tôi, những người chồng cũ, kể cả một vài người đàn ông có tình cảm khác đến bây giờ cũng chỉ là những kỷ niệm. Cái còn lại của tôi vẫn là con cái. Tôi sống hết lòng vì con.

Các con tôi cũng ngoan.

Con gái giống như tôi, lấy chồng thì hết lòng vì chồng, vì con.

Con trai tôi ở bên Pháp 40 năm nay, thành… “ thằng tây” rồi. Con trai tôi yêu mẹ, lớn rồi vẫn ôm mẹ. Có lần nó ôm mẹ bảo: “Mẹ có thích sang Pháp với con không?” Tôi cũng bảo: “Mẹ sống với con được ít quá, giờ mẹ muốn sang ở cùng con”. Con trai tôi bảo: “Mẹ sang Pháp ở với con đi. Nhưng nhớ là mẹ sang ở nhà già (viện dưỡng lão) đấy nhé”. “Ơ, thế mẹ không được ở với con à?”. “Không, người già ở với người già, trẻ ở với trẻ chứ”. Con trai tôi yêu mẹ nhưng đã quen với lối sống phương Tây rồi…

Vì sao sau cuộc hôn nhân thứ 2 với đại diễn Lê Cường Việt, bà không đi bước nữa?

Có người đàn ông nuôi con tôi, có người không lấy vợ vì tôi. Nếu bây giờ tôi muốn cũng có. Nhưng tôi nghĩ như thế này, nếu mình được nhiều quá thì con mình sẽ chẳng được gì. Tôi cũng không muốn cộng thêm nghiệp duyên nữa…

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Theo Theo Dân trí