Xin ông chia sẻ một số điểm chính về thị trường thanh toán tại Việt Nam thời gian qua?
Ông Nguyễn Quang Minh: Việt Nam có hơn 140 triệu thẻ đang lưu hành. Trong đó, có 33,3 triệu thẻ phát hành mới năm 2022. Hơn 60 ngân hàng và 4 công ty tài chính đã tham gia phát hành các sản phẩm thẻ thanh toán cho người dân. Doanh số các giao dịch thanh toán của thị trường Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, trong đó doanh số thanh toán thẻ có sự tăng trưởng tốt. Tính riêng giao dịch thanh toán của thẻ qua POS tăng 42% so với 2021, các giao dịch thanh toán khác qua MPOS, QR và trên website ứng dụng thanh toán điện tử (ECOM) tăng 28%. Tổng số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 698.227 đơn vị. Ngoài ra, doanh số giao dịch rút tiền của thẻ nội địa có xu hướng giảm qua các năm 2018-2022, doanh số của năm 2022 chỉ bằng 96% năm 2021, qua đó cho thấy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước chuyển biến rõ rệt, từ thói quen rút tiền qua ATM của người dân sang các hình thức thanh toán thẻ.
Có thể nói, sự đa dạng của các dòng sản phẩm thẻ thanh toán cùng tính năng tiên tiến, có độ an toàn, bảo mật cao và các chương trình ưu đãi đi kèm đã góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán thẻ ở nước ta trong thời gian vừa qua.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thanh toán, NAPAS đã và đang triển khai các giải pháp thanh toán như thế nào để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại cho thị trường Việt Nam?
Ông Nguyễn Quang Minh: Hiện nay, NAPAS đã và đang đầu tư, mở rộng hệ thống chuyển mạch để đáp ứng tăng trưởng của thị trường cũng như tiếp tục triển khai, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên các kênh điện tử, gia tăng tiện ích cho người dân.
Thẻ NAPAS hiện đã có thể sử dụng thanh toán khi mua hàng tại Hàn Quốc hay giao dịch trên ATM của các nước như Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc,... . Trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối để mở rộng phạm vi thanh toán thẻ NAPAS sang các quốc gia khác.
Ông Nguyễn Quang Minh – Tổng giám đốc NAPAS
Trong thời gian qua, chúng tôi đã đầu tư hạ tầng số hóa và trên cơ sở nền tảng này NAPAS đã triển khai thành công giải pháp số hóa các điểm chấp nhận thanh toán (Tap to phone). Qua đó cho phép điện thoại thông mình trở thành các thiết bị chấp nhận thẻ, góp phần mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán đến các đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ. Trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục triển khai số hóa thẻ thanh toán lên các ứng dụng di động (Tap to pay) để sớm ra mắt thị trường.
Về phương thức chuyển tiền/ thanh toán bằng mã VietQR, chỉ trong hơn 2 năm triển khai, đến nay, với sự tiện lợi, nhanh chóng và an toàn đã khiến phương thức này được đông đảo người dùng đón nhận và trở nên phổ biến trong các giao dịch thanh toán hàng ngày của người dân.
NAPAS cũng luôn tích cực chủ động phối hợp với các bộ ban ngành, đưa thanh toán điện tử, thanh toán số vào trong đời sống như thanh toán dịch vụ công, thanh toán trong Y tế, Giáo dục hay giao thông công cộng.
Thẻ tín dụng nội địa do NAPAS triển khai đã cung cấp ra thị trường được hơn 2 năm. Ông đánh giá sản phẩm này sẽ hướng đến các nhóm đối tượng nào và tiềm năng phát triển trong thời gian tới ra sao?
Ông Nguyễn Quang Minh: Thẻ tín dụng quốc tế đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm và được xem là sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập cao. Trong khi đó, thẻ tín dụng nội địa được NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính trong nước triển khai kể từ đầu năm 2021, hướng tới đáp ứng nhu cầu thực tế của nhiều người dân Việt Nam bởi chi phí thấp, thủ tục mở thẻ linh hoạt. Không những là phương tiện thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và an toàn, thông qua việc phát hành thẻ tín dụng NAPAS còn giúp người dân có thể tiếp cận nguồn tín dụng tiêu dùng từ các tổ chức tài chính cho các khoản chi tiêu, sinh hoạt phí hàng hay trong các trường hợp cấp bách, thay vì phải tìm đến tín dụng đen. Điều này còn ý nghĩa đặc biệt đối với nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng được xem là một trong số những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tài chính tiêu dùng, góp phần tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, số lượng thẻ tín dụng phát hành cho người dân ở nước ta vẫn còn chưa cao. Trong khi ở Thái Lan với trên 70 triệu dân phát hành tới hơn 100 triệu thẻ tín dụng, thì ở Việt Nam hiện phát hành khoảng 39 triệu thẻ trên tổng số hơn 100 triệu dân, dư nợ thẻ tín dụng chiếm chưa tới 10% dư nợ tiêu dùng. Trong đó, thẻ tín dụng nội địa mới chỉ chiếm khoảng 9% về số lượng và khoảng 5% về dư nợ. Như vậy, có thể thấy thẻ tín dụng nội địa còn nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Đến nay, đã có 15 tổ chức ngân hàng và công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng NAPAS. Đáng chú ý, thẻ tín dụng NAPAS còn có biểu phí phù hợp, hài hoà lợi ích các bên tham gia, từ đó sẽ tạo động lực cho các ngân hàng và công ty tài chính thúc đẩy việc phát hành thẻ tới khách hàng trong thời gian tới.
Thanh toán thẻ đã được triển khai từ rất sớm tại Việt Nam, trong đó không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của NAPAS trong triển khai bộ sản phẩm thẻ chip nội địa ra thị trường. Xin ông cho biết, NAPAS có kế hoạch gì trong việc mở rộng hệ sinh thái thanh toán thẻ NAPAS đem lại nhiều tiện ích, từ đó thúc đẩy chi tiêu thanh toán thẻ của người dân thời gian tới?
Ông Nguyễn Quang Minh: Trong vai trò đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, triển khai kết nối nhằm xây dựng hệ sinh thái thanh toán thẻ NAPAS với nhiều tiện ích cũng như đa dạng lĩnh vực đời sống xã hội (giao thông, y tế, giáo dục,...).
Trong lĩnh vực giao thông công cộng, NAPAS sẽ tiếp tục hợp tác với đối tác Vinbus, Onefin để triển khai thanh toán thẻ vé trên xe buýt điện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và kế hoạch mở rộng ra các thành phố lớn khác trong cả nước. Đồng thời, NAPAS đang phối hợp Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội để triển khai cung cấp hình thức thanh toán trên các tuyến xe buýt truyền thống cho người dân.
Đặc biệt, NAPAS dự kiến sớm ra mắt thẻ đồng thương hiêu giữa NAPAS và các tổ chức thẻ quốc tế, trong đó tích hợp cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế trên cùng 1 con chip, hỗ trợ các giao dịch thanh toán/ rút tiền tại ATM/POS tại Việt Nam và trên toàn cầu. Thẻ cũng được triển khai cả phương thức thanh toán tiếp xúc và không tiếp xúc (contactless). Việc phát triển thẻ đồng thương hiệu sẽ là tiền đề cho các phương thức thanh toán đổi mới sáng tạo trong tương lai, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí phát hành thẻ và mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ toàn cầu. Khách hàng được sử dụng chương trình marketing và loyalty của NAPAS và tổ chức thẻ quốc tế.
Thông qua việc cập nhật liên tục xu thế phát triển công nghệ mới cùng sự phối hợp các đối tác để cung cấp đa dạng các sản phẩm thanh toán thẻ cho thị trường, NAPAS mong muốn góp phần thúc đẩy thị trường thanh toán thẻ Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn cũng như góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế.