Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 chiều 11/1 tại TP. Hải Phòng, PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL - nhận định bên cạnh những thành tựu nổi trội của ngành vẫn còn nhiều vấn đề về cơ chế, điều kiện để phát triển văn hóa.
Từ sự thành công của các chương trình biểu diễn trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông hy vọng lãnh đạo của sở quản lý văn hóa, các đơn vị nghệ thuật cùng góp ý tập trung vào công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế để công tác quản lý phải phản ứng kịp với thực tế.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, bên cạnh các thành tựu đáng mừng của nghệ thuật biểu diễn, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSND Xuân Bắc chỉ ra một số bất cập, trong đó phải kể tới một số chương trình nghệ thuật dù đã được cấp phép song vẫn bị buông lỏng giám sát.
Trong số các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025, Cục Nghệ thuật biểu diễn xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành, tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, trong đó gồm 2 Nghị định (khuyến khích phát triển văn học, chế độ chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ diễn viên), 6 Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học, 3 Đề án và đặc biệt là sơ kết Nghị định số 144/2020/NĐ-CP để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VHTT Thành phố Hồ Chí Minh - nhận định Nghị định 144 tạo điều kiện cho các đơn vị, nghệ sĩ phát triển, đồng thời thực tiễn cũng nảy sinh nhiều bất cập.
Lãnh đạo Sở VHTT TPHCM nhận định nghị định tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp, từ sau khi kiểm soát được COVID-19, hoạt động nghệ thuật biểu diễn bùng nổ, số chương trình tăng theo cấp số nhân. Các hoạt động nghệ thuật biểu diễn mang lại bộ mặt phong phú, đa dạng nhưng cũng tạo ra nhiều yếu tố phức tạp.
"Mỗi buổi sáng, việc đầu tiên chúng tôi làm là mở báo xem có chương trình nào, cuộc thi người đẹp người mẫu nào bị cấm mà vẫn diễn ra hay không. Ở nhiều địa phương có thể hiếm gặp, nhưng TPHCM thường xuyên xảy ra. Chúng tôi phải phối hợp thường xuyên với Cục Nghệ thuật biểu diễn để xin ý kiến bởi thực tiễn hết sức sinh động”, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy nói.
Phó giám đốc Sở VHTT TPHCM nêu bất cập khi các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp người mẫu vi phạm, Sở VHTT muốn dừng chương trình vấp phải khó khăn về thời gian eo hẹp.
Cụ thể tại Điều 17 về dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật quy định: “Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân liên quan biết và thực hiện”.
Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam NSND Tống Toàn Thắng phản ánh nỗi bức xúc khi đưa đoàn đi tỉnh biểu diễn bị đánh đồng với các đoàn “xiếc cỏ” - lừa dối khán giả khiến họ mất niềm tin vào nghệ sĩ.
NSND Tống Toàn Thắng hy vọng Bộ VHTTDL sơ kết Nghị định 144 sẽ đánh giá những mặt tích cực, xem xét lại những bất cập về thẩm định hồ sơ tổ chức biểu diễn.
NSND Xuân Bắc: Tránh tổ chức liên hoan ồ ạt để săn huy chương, dẫn đến rẻ rúng danh hiệu
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nêu nhiều điểm thay đổi trong hoạt động của ngành từ 2025, đặc biệt đối với việc tổ chức các cuộc thi và liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Bộ VHTTDL sẽ đặt ra các tiêu chuẩn để đánh giá cuộc thi, theo đó các địa phương đăng cai phải đảm bảo đủ điều kiện về sân khấu, cơ sở vật chất chuyên nghiệp, cũng như tiêu chuẩn đối với vở diễn, diễn viên.
“Điều này tránh tình trạng mượn cuộc thi, liên hoan để săn huy chương, tránh làm rẻ rúng danh hiệu mà nhà nước đã trao tặng”, NSND Xuân Bắc nói.