Công nghệ “Mắt diều hâu” cho V.League được không?

TP - Việc ứng dụng công nghệ xem lại video ghi hình trực tiếp trận đấu đã được thử nghiệm và ứng dụng ở một số giải đấu trên thế giới. Tại V.League, giải pháp này có thể giúp giảm bớt sức ép lên các trọng tài, trong bối cảnh phản ứng từ phía các CLB, người hâm mộ thường khá mạnh.
Trọng tài Ismail Elfath “cầu viện” công nghệ VAR trước khi đưa ra quyết định phạt thẻ đỏ Donovan và cho NY Red Bulls II hưởng penalty. Ảnh: Sky Sport

Sai sót của trọng tài là chuyện có thể xảy ra ở mọi giải đấu trên thế giới. Nhưng ở V.League, quyết định sai của trọng tài có thể bị gắn mác cho vấn đề tư tưởng phía sau. Đây là lý do “vua áo đen” Việt Nam thường vấp phải phản ứng rất mạnh từ các bên liên quan. Vụ bê bối gần đây giữa CLB Long An và TP Hồ Chí Minh, lượt trận 19/2 V.League 2017 là một ví dụ điển hình. Quyết định thổi phạt penalty trung vệ Hoàng Lâm (Long An) của trọng tài Nguyễn Trọng Thư được đa số đánh giá là đúng luật, nhưng vẫn dẫn tới phản ứng quyết liệt của toàn bộ đội Long An.

Hawk-eye, hay công nghệ “mắt diều hâu” là thuật ngữ phổ biến trong quần vợt hoặc cầu lông. Với bóng đá, công nghệ này đã được FIFA chấp thuận sử dụng và biết đến với tên gọi VAR (video assistant referee). Đây là công nghệ cho phép xem lại hình ảnh trực tiếp trong trận đấu, qua đó giúp trọng tài có thể đưa ra quyết định chuẩn xác ở các tình huống nhạy cảm, có tác động lớn tới kết quả trận đấu. 

Đó có thể là tình huống dẫn tới bàn thắng, phạt đền hoặc thẻ đỏ và các pha bóng gây tranh cãi. Chiều ngược lại, hai đội bóng có thể yêu cầu xem lại băng hình quay chậm để khiếu nại thay đổi quyết định của trọng tài, với số lần theo quy định cụ thể. Cho tới thời điểm hiện tại, VAR đã được áp dụng ở một số giải đấu trên thế giới, và cũng đã được nhắc tới trong giới chuyên môn Việt Nam.

Việc sử dụng công nghệ VAR lần đầu tiên được ghi nhận là ở trận đấu giữa 2 CLB New York Red Bulls II và Orlando City B trong khuôn khổ giải Hạng nhì Mỹ tháng 8/2016. Phút 35, Conor Donovan (Orlando City B) phạm lỗi với Junior Flemmings của New York Red Bulls II. 

Vị trí phạm lỗi nằm ở ranh giới vòng 16m50. Trọng tài chính Ismail Elfath đã sử dụng công nghệ VAR để xem lại tình huống trên, trước khi ra quyết định truất quyền thi đấu của Conor Donovan, đồng thời cho New York Red Bulls II hưởng quả đá phạt 11m.

Trận bán kết 2 FIFA Club World Cup năm 2016 tại Nhật Bản, diễn ra giữa Kashima Antlers và Atletico Madrid cũng ứng dụng công nghệ VAR để hỗ trợ trọng tài. Trận đấu này đã ghi tên trọng tài người Hungary, Viktor Kassai, là trọng tài đầu tiên áp dụng VAR trong một giải đấu chính thức của FIFA với quyết định thổi phạt penalty CLB Atletico Madrid ở phút 30, sau pha phạm lỗi của Orlando Berrio với Daigo Nishi bên phía Kashima Antlers. Quyết định trên được ông  Viktor Kassai đưa ra với sự hỗ trợ của công nghệ VAR.

Xung quanh việc ứng dụng công nghệ VAR vào bóng đá, hiện vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều. Tân Chủ tịch FIFA Gianni Infantino là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất việc sử dụng VAR. Theo ông Gianni Infantino, VAR đã mang lại hiệu quả tích cực ở FIFA Club World Cup 2016. Công nghệ này vì vậy có thể sẽ được sử dụng tại World Cup tới.

Chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng không chỉ gây tốn kém, VAR còn khiến bóng đá mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Trong số các tiếng nói phản đối VAR có cả những tên tuổi tiếng tăm như HLV Zinedine Zidane của CLB Real Madrid. Đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha đã hưởng lợi từ công nghệ VAR ở FIFA Club World Cup 2016, nhưng Zizou vẫn phản đối, với lý do “đó không phải là bóng đá”.

Hồi giữa tháng 1 vừa qua, LĐBĐ Đức quyết định áp dụng công nghệ VAR từ mùa giải tới. Như vậy Bundesliga là giải đấu lớn đầu tiên ở châu Âu tuyên bố áp dụng công nghệ này.

Tại Việt Nam, theo tìm hiểu VAR đã được nhắc tới trong giới chuyên môn, BTC VPF, nhưng chỉ giới hạn ở mức độ phi chính thức. Đối với các trận cầu nhạy cảm ở giai đoạn cuối, VPF hiện vẫn thực hiện việc thuê trọng tài ngoại, như một giải pháp giảm áp lực cho các trọng tài Việt Nam. Việc thuê trọng tài ngoại, như thừa nhận của Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi, chủ yếu giải quyết khâu tâm lý cho các đội bóng.

Ngày 23/2, TGĐ VPF Cao Văn Chóng cho biết, trong cuộc họp ngày 28/2 tới, HĐQT VPF sẽ xem xét một số vấn đề nổi cộm ở V.League, đặc biệt là công tác trọng tài. Từ đây, HĐQT VPF sẽ có ý kiến chỉ đạo chấn chỉnh lại công tác điều hành trận đấu của trọng tài ở các trận đấu thuộc V.League.