“Con tin” của bầu Kiên

Khi bầu Kiên dùng luật để bắt bẻ hợp đồng giữa AVG và VFF để “lấy lại công đạo” cho các đội bóng, có rất nhiều người hâm mộ đặt niềm tin vào ông rằng từ nay bóng đá sẽ được hành xử đúng luật.

Với Thanh Trung, một cầu thủ đang chơi ở V-League, mọi chuyện đang tệ dần, nhưng điều đáng buồn nhất là anh không còn tin vào những gì mà anh đã nghe, đã thấy bởi theo anh, “cái gì có lợi thì người ta làm thôi” chứ lý lẽ gì. Bầu Kiên, người xuất hiện liên tục trên truyền hình, báo chí để nói về một cuộc cách mạng trong bóng đá mà theo ông là phải làm cho đúng luật, đã khiến Trung tổn thương.

Thanh Trung được chuyển về từ Hoà Phát Hà Nội (HPHN) đội bóng được bầu Kiên quản lý. Thanh Trung ký hợp đồng với HPHN theo quy chế chuyên nghiệp chỉ ba năm và một bản ghi nhớ rằng, sau ba năm hợp đồng Trung sẽ thương thảo tiếp với đội bóng để ký thêm hai năm nữa. Việc ký hợp đồng ghi nhớ được coi là một cách để các câu lạc bộ ràng buộc các cầu thủ phải thương thảo với họ trước khi tính chuyện đi đội bóng khác. Chính Trung cho biết, anh cũng muốn gắn bó tiếp với đội Hà Nội “mới” bởi anh tin bầu Kiên là người luôn tôn trọng luật chơi.

Nếu mọi chuyện thuận lợi thì không phải bàn, nhưng khi mùa giải đã bắt đầu, Trung mới hết hợp đồng. Thanh Trung nhận được đề nghị từ bầu Kiên, hoặc Trung sẽ phải ký tiếp theo giá mà bầu Kiên đề nghị là năm năm 5 tỉ đồng, hoặc Trung phải thất nghiệp cho đến khi nào tranh chấp ngã ngũ. Nhưng rắc rối đâu chỉ có vậy, Thanh Trung yêu cầu chỉ ký ba năm và mỗi năm 1,5 tỉ đồng, thay vì năm năm, mỗi năm 1 tỉ. Lý do là hiện nay Trung đang 24 tuổi lại là tuyển thủ quốc gia, nếu ký ba năm, anh mới chỉ 27 tuổi và có thể đàm phán lại để tránh trượt giá đồng tiền. Nếu ký năm năm thì coi như Trung sẽ kết thúc đời cầu thủ ở đội Hà Nội của bầu Kiên. Hơn nữa, ký năm năm là sai luật.

Trung không đồng ý với cách định giá của bầu Kiên, anh mời luật sư để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo luật sư Phạm Huỳnh được Trung mời bảo vệ mình thì, hợp đồng chính thức Trung đã hoàn thành. Việc ký tiếp hai năm nữa hay không phụ thuộc vào việc cả hai cùng đồng thuận. Trong khi đó bầu Kiên lại tuyên bố rằng, chẳng biết bản hợp đồng mà Thanh Trung đang giữ thế nào chứ với bản mà ông đang giữ, đội bóng nào muốn có Trung sẽ phải đền 5 tỉ đồng cho bầu Kiên.

Bước ngoặt đến, khi bầu Kiên đồng ý gặp mặt Trung để thương thảo. Trung suy tới tính lui, anh vẫn tin bầu Kiên sẽ cư xử người lớn với mình. Thế là Trung để luật sư ở nhà để đi gặp bầu Kiên. Nào ngờ, bầu Kiên tiếp Trung khi đang ngồi cùng với các ông bầu khác. Và Trung sốc thật sự khi bầu Kiên thay vì thương thảo đã tuyên bố “luật sư trong tay chú thiếu gì” và rằng “cháu không đi được đội nào đâu, chú có quan hệ với tất cả các đội bóng”.

Để chốt lại câu chuyện, bầu Kiên tuyên bố thẳng với Thanh Trung: “Chú chỉ đồng ý ký với cháu 1 tỉ/năm. Nếu cứ dây dưa thế này thì cháu là người chịu thiệt thòi nhiều nhất”. Thì hẳn là vậy, đội bóng có gần 30 người, vắng Thanh Trung đội không thể không có người thay thế. Trong lúc tranh chấp thế này, bầu Kiên đâu phải trả lương cho Thanh Trung. Quyền lao động bị đình trệ, mất thu nhập, nói một cách nào đó, Trung bỗng trở thành con tin của bầu Kiên, con tin của chính niềm tin mà mình đã tạo dựng.

Chẳng còn cách nào khác Trung và luật sư của mình đã nộp đơn lên phòng pháp chế và tư cách cầu thủ của VFF để nhờ giải cứu khỏi việc bị ép làm “con tin”. Ngày hôm nay, vụ việc sẽ được đưa ra xét xử và với Trung, anh có thể thắng kiện, nhưng niềm tin về chuyện có người nói đi đôi với làm rằng “vì sự phát triển lành mạnh của bóng đá Việt Nam” đã chẳng còn.

Theo SGTT

Theo Đăng lại