Không còn mẹ trên đời, một mình cha “gà trống nuôi con”. Nhưng cha lại bị câm điếc, không không thể nói và nghe được như những người cha khác. Thế nên cô gái thường xuyên trở thành mục tiêu trêu chọc của bạn học. Bực tức, phản kháng lại quá nhiều đâm ra chán nản, ấm ức, tủi hận, cô gái dần trở nên tuyệt vọng, ác cảm với chính cha đẻ của mình.
Trái lại, không ai hiểu con bằng cha. Cha luôn quan tâm, muốn được chia sẻ cùng con, cố gắng làm cho con tìm thấy niềm vui mọi lúc, mọi nơi có thể.
Có lẽ sinh nhật tới là dịp tốt nhất để hai cha con hiểu nhau. Vì thế, cha đã âm thầm chuẩn bị chiếc bánh mừng sinh nhật con gái và chuẩn bị trước những lời tâm sự tận sâu đáy lòng để giãi bày cho con hiểu. “Cha sinh ra đã bị câm điếc. Cha xin lỗi con vì điều đó. Cha không thể nói được như những người cha khác. Nhưng cha muốn con biết rằng, cha yêu con bằng cả trái tim mình”.
Đáng tiếc thay, cô con gái chưa thể nghe được điều đấy đã tìm đến cái chết để thoát khỏi những áp lực của cuộc sống, thoát khỏi nỗi tuyệt vọng. Cô đã tự tử ngay trong ngày sinh nhật của mình.
Bàng hoàng, đau đớn, người cha vội vã bế con tới bệnh viện. Ông cầu xin các bác sĩ hãy làm tất cả những gì có thể để cứu lấy sinh mạng của con mình dù phải bán cả nhà, dốc hết tiền bạc, thậm chí đánh đổi cả sự sống. Cuối cùng, các bác sĩ đã dùng chính dòng máu của người cha để cứu sống cô gái.
Ông đã kiệt sức và thiếp đi trên giường bệnh. Những ký ức ấu thơ hạnh phúc cùng cha chợt ùa về trong tâm thức con. Nhịp tim yếu ớt của cô gái dần đập mạnh trở lại. Cô tỉnh dậy, nắm lấy tay cha và chỉ biết khóc…
Đoạn clip kết thúc với thông điệp “Không có người cha hoàn hảo mà chỉ có người cha luôn dành yêu thương hoàn hảo nhất cho những đứa con của mình”. Người xem không cầm nổi nước mắt và tin rằng mọi điều tốt lành sẽ đến với hai cha con họ.
Dù chỉ là một clip quảng cáo thương mại của một hãng bảo hiểm Thái Lan cói tên “Silence of love” nhưng sự ảnh hưởng của nó đã nhanh chóng lan tỏa trên cộng đồng mạng, mang những giá trị nhân văn cao cả.
Tuấn Nguyễn tổng hợp