Ông Bùi Đức Thụ, Vụ trưởng Vụ tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội
Có nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay Nhà nước nên cho các doanh nghiệp được nợ thuế. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Việc doanh nghiệp nợ thuế hay được không được nợ thuế đã được quy định rõ trong luật quản lý thuế. Theo đó các doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đúng, nộp đủ, nộp kịp thời theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp nào được ân hạn cũng được quy định cụ thể. Vấn đề ở chỗ nếu cho phép xử dụng phần nộp thuế của nhà nước để chiếm dụng làm vốn là trái với pháp luật.
Đối với doanh nghiệp thiếu vốn muốn chiếm dụng phần thuế của nhà nước để làm vốn thì đó là việc chỉ có lợi cho doanh nghiệp nhưng có hại cho ngân sách nhà nước. Ngân sách của chúng ta hiện đang bội chi ở mức 5%/năm.
Nếu cho phép doanh nghiệp nợ thuế, nộp chậm lại thì mức thâm hụt của ngân sách nhà nước sẽ tăng lên, làm tăng gánh nặng và thậm chí đe dọa an ninh tài khóa.
Nhưng có doanh nghiệp cho rằng nếu không cho họ nợ thuế thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn? Cho nộp chậm cũng là tạo cho doanh nghiệp cơ hội làm ăn đề vượt qua khó khăn?
Cho nộp thuế chậm ở đây thực chất là bao cấp về tín dụng. Theo quan điểm của nền kinh tế thị trường, chúng tôi không chủ trương ủng hộ do nó quay lại hình thức tái bao cấp về vốn cho doanh nghiệp. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay điều này cũng góp phần tác động vào thành tựu xóa đói giảm nghèo, đặc biệt đến đời sống của người có thu nhập thấp.
Việc cho doanh nghiệp nợ thuế, theo tôi là trái luật và đi ngược lại xu hướng đổi mới khi tái bao cấp cho họ. Về phía các doanh nghiệp họ phải tính toán lại việc kinh doanh cho hiệu quả, huy động vốn từ các nguồn khác. Nếu thực sự làm ăn hiệu quả thì có thể liên kết, liên doanh với các đối tác, hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bán cổ phần ra ngoài.
Hiện Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng nhập siêu, trong đó có mặt hàng ô tô. Thực tế thời gian qua các xe ô tô thuộc dạng siêu cao cấp vẫn được nhập khá nhiều về Việt Nam. Theo ông vấn đề này nên xử lý thế nào?
Việc nhập khẩu mặt hàng nào là quyền của doanh nghiệp. Vấn đề là các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sang trọng đó có làm đúng luật không.
Để hạn chế nhập khẩu chúng ta đã sử dụng công cụ về thuế quan nhưng hiện tại mức thuế áp đã tới khung. Sắp tới có thể chúng ta sử dụng đến các loại thuế khác ví dụ như thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc nhập khẩu xe ô tô mới theo tôi là còn đỡ lo chứ nếu nhập khẩu ồ ạt xe cũ, kém chất lượng thì Việt Nam sẽ trở thành bãi rác với thị trường xe có thiết bị không an toàn, gây ô nhiễm môi trường. Ở các nước người ta sử dụng thuế môi trường để đánh rất nặng đối với xe cũ để hạn chế các loại xe này.
Ngoài ra có thể sử dụng các hàng rào kỹ thuật khác để hạn chế việc nhập khẩu xe cũ. Vấn đề đặt ra hiện nay là có khuyến khích nhập xe ô tô đắt tiền, chất lượng cao hay là cho nhập các xe cũ. Còn nếu chúng ta muốn mạnh tay với người giàu thì có thể nâng thuế lên. Nhưng cùng với mức thuế suất đó nếu tính trên giá trị nhập khẩu lớn thì số tiền nộp thuế của họ đã tăng lên rất nhiều rồi.
Nếu Quốc hội quyết định và thấy cần phải điều chỉnh thuế lên cao hơn để hạn chế nhập xe tốt về thì rõ ràng phải nâng thuế lên. Điều này sẽ dẫn đến một nghịch lý là không khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị và công nghệ tốt vào Việt Nam. Đây là một điểm cần phải tính về mặt chính sách.
Liên quan đến vấn đề ô tô, thời gian gần đây có một loạt các xe mang biển số rất đẹp bị thu hồi vì cấp sai mục đích. Theo ông sắp tới có lên đưa ra Quốc hội thảo luận việc thu hồi tất cả các biển số xe ô tô đẹp để đưa ra bán đấu giá như áp dụng với các số điện thoại đẹp để lấy tiền đó đưa vào các quỹ từ thiện?
Tôi cho rằng biển số đẹp hay không là do quan niệm và nhiều khi mang tính duy tâm. Thực tế xã hội có nhiều người sính biển số đẹp và họ sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để có được các biển số đẹp trên. Với tư cách là những người hoạt định chính sách tôi cho rằng đây là vấn đề cũng nên tính và thực hiện như việc bán đấu giá các số điện thoại đẹp để làm từ thiện.
Có thông tin cho rằng, nhiều người sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu, thậm chí vi phạm pháp luật để có được một biển số ưng ý. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Những năm gần đây việc cấp biển số xe có những bước cải tiến đáng kể trong quy trình. Việc cấp biển nay được thực hiện ngẫu nhiên qua máy. Đó là về cơ chế còn thực tế cũng có thể có việc lợi dụng cơ chế chính sách để trục lợi mà ta không thể kiểm soát hết được.
Có lẽ cần xem xét đến hình thức đấu giá công khai các biển số đẹp để lấy tiền đưa vào các quỹ từ thiện, giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Nếu việc này được coi là cần thiết để huy động các nguồn lực thì nên đưa vào quy định chung. Khi đó mọi cơ quan tổ chức đều phải áp dụng.
Xin cảm ơn ông.
Phạm Tuyên
thực hiện