Chuyện về trùm tội phạm xuyên quốc gia Phương 'Linh Hột'-Bài 3

TP - Khánh Trắng định lập nghiệp đoàn bốc xếp, Năm Cam mới mở nhà hàng, vũ trường, nhưng cả hai đều chưa được công nhận danh hiệu doanh nhân thành đạt, điều mà Phương Linh Hột đã làm được.

>> Bài 2: Lộ diện băng nhóm giang hồ

Tòa nhà của Cty Quang Phát do ông trùm Phương Linh Hột làm giám đốc tại thành phố Móng Cái. Ảnh: P.V

Bằng chứng tội ác

Ông Hạt (bố của nạn nhân Điệp) kể: Cuối tháng 10-2009, Công an tỉnh Quảng Ninh thông báo cho ông, băng nhóm Phương Linh Hột đã đưa hai nạn nhân Sỹ và Điệp qua bên kia biên giới.

Theo đề nghị của Công an Việt Nam, Công an Trung Quốc rất tích cực truy tìm, hiện đã bắt giữ một số nghi phạm liên quan, và tìm thấy xác người tại một vực núi.

Được tin, ông Hạt, chị Hương (vợ anh Điệp) lập tức gặp các điều tra viên. Chị Hương mô tả rõ quần áo anh Điệp mặc hôm 30-5-2009, đặc điểm chiếc nhẫn cưới anh đeo ở tay (cùng loại chị Hương đang đeo). Căn cứ những đồ vật chị Hương mô tả, phía bạn nhận định xác người tìm thấy chính là Lê Văn Điệp. Tuy nhiên, để tuyệt đối chính xác, phía bạn đề nghị gửi mẫu ADN của ông Hạt đề giám định.

Khi các PV Tiền Phong nghe ông Hạt kể câu chuyện này, gia đình ông đang khắc khoải chờ đợi kết quả giám định từ Trung Quốc, cũng như các thủ tục tư pháp giữa hai bên, để có thể nhận xác anh Điệp đem về chôn cất...

Sát Tết Canh Dần, ông Hạt gọi điện thông báo cho các PV Tiền Phong, kết quả giám định ADN khẳng định xác người phía bạn tìm thấy đúng là nạn nhân Lê Văn Điệp. Gia đình ông Hạt đang chuẩn bị sang Trung Quốc để đưa xác anh Điệp về Việt Nam.

Sau khi gia đình ông Hạt an táng người con, người chồng xấu số, các PV Tiền Phong đã trở lại Quảng Ninh. Câu chuyện ông Hạt nghe được từ công an nước bạn chứa đựng nhiều thông tin quý giá, hé lộ phần nào diễn biến vụ trọng án với sự tham gia của những tội phạm xuyên quốc gia.

Chuẩn bị an táng nạn nhân Lê Văn Điệp

Thông tin từ nước bạn

“Sau khi làm thủ tục xuất cảnh, chúng tôi qua cửa khẩu Ka Long, sang thị trấn Đông Hưng của Trung Quốc” - Ông Hạt kể - “Họ có xe chờ sẵn, chở chúng tôi đi gần trăm cây số, tới một thung lũng vắng vẻ, nơi bảo quản các xác lưu lạc. Chúng tôi thắp hương, nhận xác con, rồi lên xe về lại Đông Hưng”.

Thắp nén nhang lên bàn thờ con trai, ông Hạt kể tiếp: “Trên xe, người công an Trung Quốc làm nhiệm vụ phiên dịch tên là Thông kể: Ngay đêm 30-5-2009, bọn Chung Linh Hột đưa xác anh Sỹ, và con tôi vẫn còn sống, sang bên kia biên giới, tại một bến sông thường gọi là bến Lợn (nơi Cty của Phương Linh Hột thường xuất lợn sang Trung Quốc). Chúng cho xác anh Sỹ vào bao, nhét thêm đá vào, vứt xuống sông.

Còn anh Điệp, chúng xúm lại đánh đập rất dã man, rồi dùng băng dính băng kín mặt lại cho chết hẳn. Chung Linh Hột đưa cho đám đồng phạm Trung Quốc 2.000 NDT, nói: A Phóng gửi cho chúng mày. Sau đó, Chung Linh Hột và Trấn Điên trở về Việt Nam”.

Nén nỗi đau, ông Hạt kể tiếp: “Đám tội phạm Trung Quốc cho xác con tôi vào cái bao, đêm hôm sau chở đến huyện Thượng Tư cách Đông Hưng gần trăm cây số. Đến một cái dốc rất cao, chúng thuê hai người vác cái bao đựng xác vứt xuống một vực núi thuộc dãy Thập Vạn Đại Sơn”.

“Anh Thông cho biết, công an Trung Quốc đã làm rõ có ba đối tượng tham gia đánh chết con tôi, hai đối tượng mang xác đi vứt, và hai đối tượng không tố giác tội phạm” - ông Hạt kể - “Những kẻ tham gia đánh chết con tôi đều làm ăn với A Phóng vận chuyển hàng qua biên giới”.

Phương Linh Hột là ai?

A Phóng trong câu chuyện của anh Thông phiên dịch chính là Phương Linh Hột. Gã trùm giang hồ tên thật là Nguyễn Tiến Phương, sinh năm 1957, tại Móng Cái. Cái tên Linh Hột xuất phát từ cách gọi của người địa phương: Tên con gắn với tên bố (trường hợp của Phương, người ta gắn cả tên bố và tên mẹ).

Người già ở Móng Cái kể, bố Phương nguyên là thợ rèn. Ông Hột, bà Linh là những người tử tế, nhưng Phương từ nhỏ bất trị, rất thạo nghề cắt bom (bám theo xe đạp người khác, cắt dây cao su ăn cắp hàng).

Móng Cái mở cửa giao thương với Trung Quốc. Từ chỗ bảo kê buôn lậu nhỏ lẻ, Phương tập hợp ong ve, cửu vạn, mở các bến bãi thâu tóm dịch vụ bốc xếp trung chuyển hàng hoá. Rồi Phương tự cho mình độc quyền một số mặt hàng như động vật hoang dã, hải sản đông lạnh...

Khi đã giàu sụ, Phương bỏ vợ già lấy vợ trẻ, xây nhà chiếm cả dãy phố, sắm xe khủng, lập Cty, trở thành doanh nhân thành đạt trong mắt nhiều người. Có nhiều giai thoại, chẳng hạn Phương vào mừng đám cưới rồi đi ngay, sau mới biết là nhầm! Tối ấy, gia chủ mang cái phong bì trong có 2.000 USD sang nhà Phương để trả. Phương hào phóng nói: Thôi, tôi mừng cho các cháu, đã mừng rồi ai đi nhận lại?!

Đấy chỉ là giai thoại. PV Tiền Phong ghi được hai chuyện sau, đáng tin hơn. Một doanh nhân ở Hạ Long kể, chị từng dự buổi lãnh đạo tỉnh gặp mặt các doanh nhân, Phương Linh Hột cũng được mời. Ông ta đến muộn, đưa vợ (người vợ thứ ba) đi cùng. Lần đầu tiên chị được biết mặt Phương Linh Hột, dù đã nghe tiếng từ lâu!

Một doanh nhân khác kể, có lần ông đi cùng cán bộ tỉnh ra Móng Cái, buổi chiều ghé sân ten nít của Phương làm vài séc. Sau đó Phương có tiếp cơm. Ấn tượng của ông, Phương là người ít học. Ai muốn khoe tiền, ra cầu Ka Long thi với tôi. Tiền của tôi chỉ đủ xếp từ cầu Ka Long vào đến Hạ Long thôi, câu nói của Phương Linh Hột trong bữa cơm đó.

Trên đây là vài nét chân dung doanh nhân Phương Linh Hột. Những cuộc đấu sức và đấu trí để lên ngôi ông trùm của nhân vật này sẽ được kể ở số báo tới.

(Còn nữa)

Bài 4: Những cuộc đấu sức và đấu trí của ông trùm