Chuyện ít biết về người thắp sáng đài lửa Olympic Tokyo 2020

TP - Tại Lễ khai mạc Đại hội Olympic Tokyo 2020, Naomi Osaka là người cầm đuốc cuối cùng và thắp sáng đài lửa tượng trưng cho mặt trời tỏa sáng trên núi Phú Sĩ cháy suốt thời gian diễn ra đại hội. Tại sao Ban tổ chức Olympic Tokyo lại trao cho cô nhiệm vụ quan trọng như vậy?
Naomi Osaka được vinh dự thắp sáng đài lửa Olypic Tokyo

Chỉ cần thoáng nhìn, mọi người đều có thể nhận ra bản sắc một người lai mang dòng máu da đen của Naomi Osaka qua làn da màu đồng sẫm. Naomi Osaka sinh năm 1997 tại Osaka, Nhật Bản. Cha cô là người Haiti và mẹ là người Nhật. Họ gặp và yêu nhau khi ông là sinh viên từ New York tới Nhật để tham quan. Sau khi chào đời, cô được cha mẹ đặt tên là Naomi Osaka. Naomi có một người chị là Mari Osaka, người cũng chơi quần vợt. Tên của hai chị em được đặt như thế là kết hợp giữa tiếng Nhật và tiếng Anh.

Năm 3 tuổi, Naomi đã rời Nhật Bản, theo cha đến Florida, sau đó sống ở Long Island cùng ông bà nội. Chính vì vậy, cô từng nói rằng nếu có cơ hội giành chức vô địch Grand Slam, cô hy vọng rằng chức vô địch đầu tiên sẽ là giải US Open, bởi vì: “Tôi lớn lên ở đây, như thế ông bà nội có thể xem tôi thi đấu. Tôi nghĩ nếu như thế hẳn sẽ rất tuyệt!”.

Năm 2013, người cha Naomi cho rằng so với sự cạnh tranh khốc liệt của quần vợt Mỹ, nếu Naomi đại diện cho Nhật Bản thi đấu sẽ giúp sự nghiệp quần vợt của cô tốt hơn. Vì vậy, năm Naomi Osaka 15 tuổi, ông đưa con gái trở lại Nhật Bản và bắt đầu chơi với tư cách là một vận động viên quần vợt Nhật Bản mặc dù khi đó cô bé còn chưa nói được tiếng Nhật.

Với sự thể hiện xuất sắc của mình, Naomi Osaka nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới truyền thông và dư luận Nhật Bản. Tháng 7/2014, Naomi lần đầu tiên tham gia giải đấu WTA tại Stanford và vào được vòng hai. Năm 2016, sau khi Naomi Osaka đánh bại đàn chị Elina Svitolina tại giải Australian Open, khi nghe thấy tiếng hò hét cổ vũ sôi động của khán giả trên khán đài, cô còn nói đùa: “Có lẽ mọi người còn không biết tôi là vận động viên người nước nào nên tất cả đều cổ vũ cho tôi”.

Naomi Osaka mang đuốc chạy lên đài lửa

Thi đấu đại diện cho Nhật Bản, nhưng Naomi Osaka từng thổ lộ: “Tiếng Nhật phát âm quá nhanh, giống y như đọc rap vậy. Nó thường khiến tôi bối rối. Đôi khi tôi thậm chí nghe mà không hiểu khi bị hỏi vài câu đầu tiên; sau đó tôi chỉ có thể ngồi đó như một kẻ ngốc, nhưng tôi không muốn biến thành một kẻ ngốc”.

Khi mới trưởng thành, được hỏi về ước mơ nghề nghiệp của mình, Naomi Osaka đã cười và nói: “Tôi muốn trở thành người giỏi nhất, giống như chưa ai từng làm được”, sau đó giải thích thêm: “Đó là bài hát trong phim ‘Pokemon’ đấy, ca từ được hát như thế”. Rõ ràng, dù lớn lên ở Mỹ nhưng Naomi Osaka đã hoàn toàn hòa nhập vào môi trường văn hóa Nhật Bản.

Tại giải US Open (Mỹ mở rộng) năm 2018, Naomi Osaka đã thiết lập một loạt kỷ lục. Cô trở thành người trẻ tuổi nhất lọt vào trận bán kết US Open kể từ sau Caroline Wozniacki người Đan Mạch năm 2010 và là tuyển thủ trẻ nhất lọt vào bán kết Grand Slam kể từ Jelena Ostapenko.

Sau khi lọt vào trận chung kết, cô trở thành tay vợt Nhật Bản đầu tiên lọt vào chung kết đơn nữ Grand Slam và đã xuất sắc giành chức vô địch sau khi đánh bại Serena Williams đàn chị và thần tượng của cô, trở thành nhà vô địch đơn Grand Slam đầu tiên của Nhật Bản và là tay vợt châu Á thứ hai giành được Grand Slam sau Li Na của Trung Quốc. Sau đó, Naomi Osaka đã xuất sắc giành chức vô địch Australia Open 2019. Ngày 28/1/2019, Naomi Osaka trở thành cây vợt nữ số 1 thế giới của WTA và là tay vợt châu Á đầu tiên làm được điều này.

Nhiều người chưa biết về Naomi Osaka đều bất ngờ trước thành công của cô, nhưng thực tế, cô gái trẻ Naomi Osaka cũng từng trải qua nhiều thăng trầm. Ngay từ năm 2014, khi mới 16 tuổi, Naomi Osaka đã có một màn trình diễn chói sáng khi đánh bại nhà vô địch giải US Open 2011 Samantha Stosur. Nhưng trong ba năm tiếp theo sau đó, cô không cứ thế vươn cao như một số thiên tài thiếu niên khác. Phải đến tháng 3 năm 2018, Naomi Osaka mới giành được chức vô địch đơn WTA đầu tiên trong sự nghiệp tại giải Indiana Wells. Dường như đã phá được cái vòng kim cô. Từ đó đến nay, Naomi Osaka liên tục giành được các danh hiệu ở đấu trường đơn nữ. Hiện nay, Naomi Osaka đã đoạt 2 giải Vô địch Grand Slam và bốn giải quốc tế khác. Tại Đại hội Olympic Tokyo 2020 lần này, cô cũng sẽ đại diện cho Nhật Bản để nhằm đến tấm Huy chương vàng đơn nữ môn quần vợt.

Tuy vậy, có lẽ việc Naomi Osaka được chọn làm người cầm đuốc cuối cùng và thắp đuốc thiêng đã nằm ngoài sự dự đoán của nhiều người, nhưng thân thế và trải nghiệm của cô vừa phản ánh đặc điểm cởi mở và khoan dung của văn hóa Nhật Bản, vừa phù hợp với tinh thần tự lực, tự cường mà người Nhật Bản đề cao.

Với ngọn đuốc Olympic được Naomi Osaka thắp lên, Đại hội Olympic Tokyo 2020 – một Thế vận hội đặc biệt trong mùa đại dịch COVID-19 - chính thức khai mạc. Trong hơn chục ngày tới, các vận động viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ thể hiện những thành quả mà họ đã tập luyện, chuẩn bị cho Thế vận hội trong 5 năm qua. Chúng ta hãy cùng nhau mong chờ màn trình diễn tuyệt vời của họ và nếu Naomi Osaka giành được chiếc Huy chương vàng đơn nữ môn quần vợt, đó sẽ là một sự kết thúc mỹ mãn!