Chỉ số đại diện của cả 3 sàn chìm trong sắc đỏ suốt thời gian giao dịch, giới đầu tư khá hoang mang khi đà giảm ngày càng lớn, dù thị trường thế giới, hay tin tức trong nước không xuất hiện yếu tố bất ngờ, tiêu cực nào đáng chú ý. Đến cuối phiên giao dịch, trên HoSE chỉ còn 31 cổ phiếu giữ sắc xanh, trong khi số mã giảm đã lên tới 453. Tương tự, tại rổ VN30, lực bán mạnh cũng đẩy 28 cổ phiếu giảm giá, trong đó 6 mã giảm hết biên độ.
Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là các mã vốn lớn như VHM, CTG, MSN, GAS, HPG, VIC… Mức giảm ở nhóm VN30 khá lớn, quá nửa cổ phiếu trong rổ này giảm trên 3%. GVR, MWG, CTG, SSI, TCB, STB giảm sàn.
Không có nhóm cổ phiếu nào đi ngược thị trường, bên bán hoàn toàn lấn át. Đà giảm của thị trường còn mạnh hơn trong phiên chiều, với việc hàng T+2 về tài khoản nhà đầu tư. Thành quả hồi phục trong 10 ngày qua gần như bị xoá sạch, VN-Index xuống thấp nhất ở mức 1.016 điểm, còn cách không xa vùng đáy ở phiên 11/10 vừa qua.
Trong phiên hôm nay, lực bán dâng mạnh đẩy thanh khoản tăng vọt. Giá trị khớp lệnh HoSE lên ngưỡng 13.100 tỷ đồng, cao gần gấp đôi phiên 20/10. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường cơ sở vẫn kém xa phái sinh. Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 11 giảm mạnh trong ngày đầu tiên giao dịch. VN30F2211 giảm 52,5 điểm xuống 985 điểm. Giá trị giao dịch lên gần 42.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cơ sở. Các hợp đồng tương lai đều giảm mạnh, trong đó có hợp đồng tháng 6/2023 giảm sàn.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số đại diện chứng khoán Việt Nam giữ vị trí giảm mạnh nhất thế giới. VN-Index giảm 38,63 điểm (3,65%) xuống 1.019,82 điểm. HNX-Index giảm 8,47 điểm (3,75%) xuống 217,41 điểm. UPCoM-Index giảm 2,21 điểm (2,74%) xuống 78,57 điểm
Khối ngoại bán ròng gần 440 tỷ đồng, tập trung mạnh nhất ở HPG (232 tỷ đồng), VHM (153 tỷ đồng), VND (83 tỷ đồng), STB (56 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, khối ngoại giải ngân mua ròng tập trung ở VNM, MSN, VCB, FRT…