>Sacomreal đến hạn trả hơn 1.370 tỷ đồng nợ
>Ngân hàng Credit Suisse sẽ rơi vào tay người Qatar?
> Quỹ đầu tư Wall Street nộp phạt 1,8 tỉ USD
Avinash Satwalekar – CEO Vietcombank Fund Management, liên doanh giữa công ty quản lý quỹ Franklin Templeton Investments với Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), nhận định đã đến lúc các công ty thích M&A đầu tư vào Việt Nam. Tín dụng ngân hàng ì ạch, triển vọng kinh doanh của các công ty cải thiện trong khi giá trị lại đang ở mức thấp là điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch mua bán - sáp nhập. Những thương vụ này cần được thực hiện trước khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Với kỳ vọng Việt Nam sẽ cải tổ tài khóa và tiền tệ trong vòng 3 - 5 năm tới, Satwalekar nhận định “Thời cơ tốt nhất để đầu tư là khi nước đang đục. Nếu nước trong rồi, ai chẳng đổ tiền vào được”, ông nói trên Bloomberg.
Việt Nam đang cố gắng phục hồi từ mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm1999, khi nợ xấu cao kiềm chế tín dụng và ảnh hưởng đến việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp. Tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng dự đoán tăng trưởng GDP năm tới sẽ là 5,8%, nhờ ưu tiên kiềm chế lạm phát và thanh khoản ngân hàng cải thiện.
Chính phủ cũng cho biết Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% năm nay. Tăng trưởng tín dụng cũng được dự đoán nhích lên 14% năm tới. Trong khi đó, Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) sẽ mua khoảng 150.000 tỷ đồng nợ xấu ngân hàng đến cuối năm 2014.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm lãi suất cơ bản hồi tháng 7 để hỗ trợ tăng trưởng, sau khi hạ giá tiền đồng trước đó để cải thiện cán cân thanh toán. “Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài khóa đã tạo ra môi trường màu mỡ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi vẫn đang chờ các chính sách đó có hiệu lực”, Satwalekar cho biết. Các lĩnh vực đầu tư ưa thích của ông là nông nghiệp, bán lẻ, giáo dục và thực phẩm – đồ uống.
“Một thương vụ đầu tư thông thường của chúng tôi vào khoảng 5 – 15 triệu USD. Chúng tôi không tập trung vào các công ty lớn hơn, do họ phần lớn thuộc sở hữu nhà nước”, Satwalekar cho biết.
Chỉ số giá tính trên mức sinh lời (PE) trung bình của các cổ phiếu niêm yết trên sàn TP HCM hiện nay khoảng 12,7, biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán rẻ nhất Đông Nam Á, theo Bloomberg. Trừ thị trường Nhật Ban, Vn-Index hiện là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất châu Á kể từ đầu năm (21%). Tuy nhiên theo Ernst & Young, chưa có dấu hiệu về một cuộc đổ bộ mạnh mẽ của các quỹ tới thị trường này.
Luke Pais, trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu châu Á tại EY cho biết: “Đầu tư tư nhân (private equity) tại Việt Nam chưa phát triển mạnh. Mọi người vẫn chờ đợi và theo dõi. Nhưng số thương vụ đang tăng lên và nhà đầu tư đang bỏ nhiều thời gian hơn để theo sát thị trường”.
Theo hãng nghiên cứu Preqin, các tổ chức ngoại đã chi tổng cộng 287 triệu USD để thực hiện 5 giao dịch cổ phần doanh nghiệp Việt kể từ đầu năm. Đây là số vụ cao nhất trong vòng 5 năm qua và giá trị cũng lớn nhất kể từ 2006.
Hồi tháng 1, quỹ KKR đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan, lên 359 triệu USD, sau khi đầu tư vào đây lần đầu năm 2011. Đến tháng 5, Warburg Pincus cũng dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư, rót 325 triệu USD vào Tập đoàn Vingroup. Đây là thương vụ đầu tiên của họ tại Đông Nam Á kể từ năm 2010. TPG Capital hồi tháng 7 cho biết sẽ trả 50 triệu USD cho 49% cổ phần mảng hàng tiêu dùng của Masan.
Satwalekar cho biết các thương vụ đầu tư có thể lấp đầy khoảng trống tạo ra bởi ngân hàng, khi Chính phủ đang tìm cách xử lý gần 5 tỷ USD nợ xấu - vốn là nguyên nhân gây nghẽn tín dụng. "Đây là cơ hội cho các quỹ đầu tư tư nhân”, ông nhận định. Templeton hiện sở hữu 49% cổ phần của liên doanh Vietcombank Fund Management. Phần còn lại thuộc về Vietcombank.
Theo VnExpress