Bệnh thận mạn: Căn bệnh phổ biến nhưng thường được phát hiện quá muộn
Đang khoẻ mạnh và đi làm bình thường, Anh Đ.H (39 tuổi, ngụ TP.HCM) được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn, giai đoạn 3. Anh cho biết, dạo gần đây thấy cơ thể hơi mệt, hay đổ mồ hôi, da xấu đi nên anh đến bệnh viện khám sức khoẻ. Sau khi thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, bác sĩ tại đây thông báo anh bị suy thận mạn, giai đoạn 3. Nhận kết quả trên tay, anh Đ.H hoàn toàn sốc và không tin mình bị suy thận bởi trước giờ cũng khỏe mạnh, đi làm bình thường.
Trường hợp của anh Đ.H thực ra không hề hiếm, thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân không hề có triệu chứng nhưng trong một lần khám bệnh lại bị phát hiện mắc suy thận mạn. Thậm chí, có trường hợp khi vào bệnh viện thì bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng, cần phải lọc thận hoặc ghép thận.
Tại hội thảo khoa học “Chân trời mới cho phổ rộng bệnh nhân bệnh thận mạn – Cuộc cách mạng từ Empagliflozin” diễn ra tại Hà Nội ngày 22/11 vừa qua, GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: “Thực tế, bệnh thận mạn thường không có hoặc có khá ít các triệu chứng trong giai đoạn đầu nên thường bị bỏ sót trong quá trình chẩn đoán. Một số khảo sát gần đây cho thấy 80,3% bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh thận mạn như bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, còn chưa được thực hiện các xét nghiệm tầm soát để chẩn đoán bệnh thận mạn theo đúng khuyến cáo”.
Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 8,7 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% số người trưởng thành. Số ca mắc mới mỗi năm lên đến 8.000 ca và số bệnh nhân cần điều trị lọc máu do tiến triển của bệnh thận mạn, lên đến khoảng 800.000 người. Điều đáng chú ý là người mắc suy thận đang có xu hướng trẻ hoá.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn là những người có tiền sử hoặc đang mắc ít nhất một bệnh lý sau: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch (suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ…), thừa cân, béo phì, suy thận cấp, tổn thương thận cấp, sỏi thận, sỏi niệu và các bệnh hệ thống...
Bệnh thận mạn là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng lại tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Tại Việt Nam, rất nhiều trường hợp được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, gây khó khăn lớn trong việc điều trị và làm tăng tỷ lệ tử vong. Đáng chú ý, có tới 33% bệnh nhân bệnh thận mạn tiến triển đến tử vong sau 5 năm và 12% tiến triển đến giai đoạn cuối phải lọc máu hoặc ghép thận. Điều này không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn gia tăng gánh nặng kinh tế của gia đình và xã hội.
Về cá nhân, người mắc bệnh thận mạn giai đoạn muộn chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng. Chi phí điều trị, đặc biệt là các phương pháp như lọc máu hay ghép thận, là gánh nặng tài chính lớn mà không phải ai cũng có khả năng chi trả. Ngoài ra, áp lực từ bệnh tật và tài chính gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần người bệnh và người thân trong gia đình.
Số người mắc bệnh thận mạn tăng cao tạo gánh nặng đối với hệ thống y tế. Nhu cầu chăm sóc dài hạn dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 800.000 người suy thận mạn cần chạy thận nhân tạo nhưng chỉ có 5.500 máy phục vụ cho 33.000 người bệnh. Nhiều bệnh viện phải tăng cường các suất chạy thận ngoài giờ hành chính để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Các thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao ý thức phòng ngừa và phát hiện sớm để giảm thiểu gánh nặng chung.
Bước tiến trong điều trị bệnh thận mạn: Hy vọng mới cho người bệnh
Một trong những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh thận mạn là phải sàng lọc, tầm soát nhóm đối tượng nguy cơ cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa bệnh thận mạn và các bệnh lý tim mạch, chuyển hóa. Trong đó, tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh thận mạn, chiếm tỉ lệ khoảng 60%trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mạn.
Chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng, giúp bệnh nhân có thêm thời gian sống với tình trạng sức khỏe ổn định hơn, đồng thời giúp cải thiện triệu chứng cũng như bảo vệ bệnh nhân khỏi nguy cơ biến chứng nguy hiểm, bao gồm tử vong.
Cũng trong hội thảo này, GS.BS. Michel Jadoul, chuyên gia Thận học tại Bệnh viện Đại học Saint-Luc, Brussels, Vương quốc Bỉ, nhận định rằng hành động sớm là rất cần thiết giảm thiểu các biến chứng. Và để phát hiện kịp thời bệnh thận mạn, cần tập trung sàng lọc ở các nhóm nguy cơ cao như người mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, có tiền sử bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, người trên 60 tuổi, người hút thuốc lá hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh thận mạn...vv.
Vì vậy, những người mắc các bệnh lý này hoặc có tiền sử gia đình liên quan cần đặc biệt lưu ý và tiến hành các xét nghiệm cần thiết như như eGFR (đánh giá chức năng lọc của thận) và uACR (đánh giá mức độ tổn thương thận) để phát hiện bệnh kịp thời. Đây đều là các xét nghiệm thường quy tại các bệnh viện, hoàn toàn có thể trao đổi với bác sĩ để thực hiện sàng lọc cho đối tượng nguy cơ cao.
Những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học, điều trị bệnh thận mạn đã có những bước tiến quan trọng, mang đến niềm hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân Việt Nam đang sống chung với bệnh thận mạn. Ngày 4/11 vừa qua, Bộ Y tế chính thức phê duyệt Empagliflozin trong chỉ định điều trị cho bệnh thận mạn. Empagliflozin được phát minh nhằm mục đích chính để điều trị đái tháo đường nhưng lại có những hiệu quả điều trị rõ ràng trên các bệnh nhân suy tim, đồng thời giúp giảm bớt tiến triển xấu ở các bệnh nhân bệnh thận mạn.