Mùa chuyển nhượng nào cũng vậy, Porto luôn là nơi nhộn nhịp bán mua. Kẻ đến thường là những “viên ngọc thô”, chưa nổi tiếng và có giá vừa phải, còn kẻ đi thì giá cao ngất ngưởng, thậm chí có khi phá kỷ lục.
Theo thống kê thì kể từ năm 2004 tới nay, tức thời điểm đội bóng Bồ Đào Nha này vô địch Champions League dưới thời HLV Jose Mourinho, họ đã thực hiện 16 vụ chuyển nhượng giá trị và thu về 465 triệu euro, nhiều hơn bất cứ đội bóng nào ở châu Âu.
Ngay sau khi vô địch Champions League vào năm 2004, Porto đã bán đi ba ngôi sao với giá cao ngất ngưởng: Ricardo Carvalho tới Chelsea với giá 30 triệu euro; Paulo Ferreira cũng theo bước người đồng đội gia nhập đội bóng thành London với giá 20 triệu euro; còn Deco ký hợp đồng có giá 21 triệu euro với Barcelona. Năm 2007, họ bán tiếp Anderson cho M.U với giá 31 triệu euro và Pepe cho Real Madrid với giá 30 triệu euro.
Một năm sau, Porto đồng ý để Ricardo Quaresma gia nhập Inter Milan với giá 24 triệu euro, rồi lại đạt thỏa thuận nhượng Jose Bosingwa cho Chelsea với giá 20 triệu euro. Tới năm 2009, đội bóng hàng đầu của thủ đô Lisbon này lại bán Lisandro Lopez cho Lyon với giá 24 triệu euro và Lucho Gonzalez cho Marseille với giá 19 triệu euro.
Năm 2010, Bruno Alves rời sân Dragao và tới Zenit với giá 22 triệu euro. Năm 2011, thương vụ Radamel Falcao tới Atletico Madrid có giá 40 triệu euro và năm 2012, Hulk đầu quân cho Zenit với giá 60 triệu euro – trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử đội bóng này.
Trong mùa hè 2013, khi AS Monaco nổi lên với sự chịu chơi hiếm có, Porto chớp cơ hội để bán thành công bộ đôi James Rodríguez và Joao Moutinho với mức giá lần lượt là 45 triệu euro và 25 triệu euro. Gần nhất, tức mùa hè 2014, Porto lại bán thành công Nicolas Otamendi cho Valencia với giá 12 triệu euro và Eliaquim Mangala cho Man City với giá 30 triệu euro (sẽ có thêm 10 triệu euro nếu hậu vệ người Pháp này thi đấu thành công và mang về những danh hiệu)...
Với tất cả những thương vụ đình đám kể trên, Porto đã bỏ túi 465 triệu euro, một con số đáng mơ ước với ngay cả những đội bóng hàng đầu của châu Âu.
Đúng là không phải lúc nào làm mưa làm gió ở Lục địa già, vô địch Champions League hay sở hữu những bản hợp đồng quảng cáo giá trị mới có lợi nhuận lớn, chỉ cần tận dụng thời cơ, chịu khó tìm kiếm các “viên ngọc thô”, một đội bóng cũng có thể “sống khỏe” trong bối cảnh khó khăn tài chính.