Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân, bất cập trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở đó, kiến nghị với Thủ tướng những giải pháp hiệu quả để kiên quyết ngăn chặn tình trạng này không để tái diễn phức tạp. Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện Chỉ thị 4 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và những công việc trên trước 10-9.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, trước đợt tăng giá xăng dầu ngày 13-8, qua công tác nắm địa bàn và đặc biệt là tin báo của quần chúng nhân dân, của báo chí, lực lượng Quản lý thị trường đã cử hơn 700 lượt công chức kiểm tra, xác minh thông tin và bước đầu xác định có 82 cửa hàng bán lẻ xăng dầu cắt giảm thời gian bán hàng hoặc ngừng bán hàng trên cả nước.
Cục đã tổ chức phân loại các cửa hàng này để xác định rõ nguyên nhân, sau đó tùy theo mức độ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Như ở Vĩnh Phúc thông tin ban đầu có 12 cửa hàng ngừng bán hàng nhưng khi phân loại, làm rõ nguyên nhân, có 9 cửa hàng đã xin tạm ngừng kinh doanh từ trước, 2 cửa hàng đã bị Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc xử phạt hành chính và đình chỉ kinh doanh vì không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Đối với những cửa hàng đã làm rõ được hành vi vi phạm cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý ngay.
Ví dụ như Nam Định, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh… đều đã xử lý những cửa hàng vi phạm. Cách đây 3 ngày, các đội Quản lý thị trường TPHCM tiếp tục có tờ trình gửi UBND quận 6 và UBND quận Bình Thạnh đề nghị xử phạt 2 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 1 cửa hàng phạt đến 50 triệu đồng và cả hai cửa hàng đều bị đề nghị tước quyền sử dụng giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trong thời hạn 3 tháng.
Theo ông Lam, để xử lý tình trạng nghỉ bán hàng, bán hàng cầm chừng không lý do để trục lợi, tới đây, bên cạnh việc tiếp tục rà soát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có biểu hiện vi phạm pháp luật, Cục đã lập phương án, chỉ đạo Chi cục trên cả nước tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đại lý, tổng đại lý, thương nhân đầu mối.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, làm rõ các doanh nghiệp đầu mối, các tổng đại lý, đại lý không cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Theo đó, Bộ có thể tạm ngừng hoặc rút giấy phép việc nhập khẩu xăng dầu của các đầu mối nếu vi phạm, đồng thời có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia vào doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu”- ông nói.