Cạn khô nước mắt ngóng chồng...

Thế là ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) lại gánh thêm một nỗi đau nữa khi giữa mùa hè này có 4 tàu cá nằm lại biển khơi trong bão số 1. Niềm khắc khoải mong chờ và những giọt nước mắt lặng lẽ của những người thân chờ con, chờ chồng đang bao trùm khắp vùng cửa biển Sa Kỳ...

6 ngư dân bị sóng cuốn đi mãi đến giờ vẫn chưa tìm được, 10 ngư dân khác cũng chưa rõ tin tức.

Nỗi buồn tái tê của chị Phạm Thị Ngọc khi mãi vẫn không thấy thông tin của chồng.

Khắc khoải bên máy ICOM

Mới đến đầu xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu chúng tôi đã thấy tiếng bàn tán của người dân về những chiếc tàu cá gặp nạn cùng 6 ngư dân trên tàu cá QNg 55940 của ông Nguyễn Văn Tẩn bị sóng biển cuốn đi chưa tìm được.

Bước vào nhà đặt máy Icom sát vách lăng vạn Gành Cả, chúng tôi chứng kiến cảnh mấy chục con người gồm già trẻ, gái trai, thanh niên, phụ nữ đang tập trung tại đây. Ai cũng hướng về chiếc máy Icom do anh Nguyễn Thanh Nam đang phụ trách liên lạc, nghe thông báo của những ngư dân được cứu thoát sau cơn bão biển về cho người thân.

Nhìn ai, chúng tôi cũng thấy nỗi âu lo hiện trên gương mặt. Anh Nam phụ trách máy Icom và thiếu tá Nguyễn Thận (Đồn Biên phòng 288) cho chúng tôi biết: Đã 5 hôm rồi, từ khi có bão là hai anh túc trực tại chỗ máy Icom để nghe thông tin ngư dân gọi về cũng như liên lạc giữa đất liền với người trên biển cả.

Anh Nam giãi bày: Niềm vui nhất của anh và thiếu tá Thận là biết thêm được những thông tin của người bị nạn được cứu, còn buồn lòng khi liên lạc với ai cũng hỏi về 6 ngư dân trên tàu cá QNg 55940 TS của anh Nguyễn Văn Tẩn (1955) ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, nhưng ai cũng lắc đầu không biết.

Một lão ngư nói nhỏ với tôi rằng: Khả năng còn sống của 6 ngư dân này là rất ít. Bởi trên tàu có 10 người, thì 4 người còn bám trên tàu được cứu sống. Riêng 6 trường hợp khi rơi xuống biển thì không thấy tăm hơi đâu.

Người dân xóm Gành Cả tập trung quanh máy Icom để nghe thông tin về người thân. Ảnh : Báo Quãng Ngãi.

Người nhà của của anh Tẩn cho hay, vào khoảng 7 giờ tối ngày 15/7, anh Tẩn có liên lạc về nhà nói rằng đã tìm được chỗ trú ẩn an toàn. Thế nhưng vào khoảng 2 giờ sáng ngày 16/7, 4 chiếc tàu của ngư dân Bình Châu và 2 chiếc tàu của ngư dân đảo Lý Sơn đang trú ẩn tại đảo Xà Cừ, quần đảo Hoàng Sa thì bị bão nhấn chìm. Đến trưa ngày 18/7, thiếu tá Nguyễn Thận cho chúng tôi biết, 6 ngư dân ấy vẫn không có tin tức gì sáng sủa.

Còn trong buổi tối ngày 17/7, tàu cá của ông Võ Văn Lựu quê xã Bình Châu, khi tham gia tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã cứu được 3 ngư dân tên Tiến, Quang (ở Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận) và Phạm Cư đi trên tàu QNg 95904 TS, do anh Nguyễn Văn Trung (1966) ở thôn Châu Thuận Biển làm thuyền trưởng.

Qua máy Icom tại Gành Cả, chúng tôi được biết, trong buổi sáng ngày 18/7, đã có hai tàu ngư dân ngoài biển Hoàng Sa đã được nộp dầu đầy đủ đang trên đường về đất liền. Có khả năng vào sáng ngày 19/7 sẽ có mặt tại cảng Sa Kỳ.

Còn khi tiếp xúc với chúng tôi, ngư dân Gành Cả ai cũng bảo: Tất cả tàu và tài sản trên những chiếc tàu này xem như đã mất sạch, trong đó, tàu có giá trị tài sản thấp nhất chừng 500 triệu đồng/chiếc, còn lớn nhất là gần 1 tỉ đồng/chiếc.

Nước mắt của những phụ nữ chờ chồng

Chị Nguyễn Thị Nhung (35 tuổi), vợ chủ tàu QNg 90028 TS là Phạm Thơ (38 tuổi) ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, đã biết chồng thoát chết từ sáng hôm 17/7. Chị vui nhưng vẫn xót xa trong lòng. Bởi 4 năm sắm tàu cá đi biển, thì đây là lần thứ 3 biển không cho lòng chị bình yên.

Chuyến ra khơi cách đây chừng nửa tháng, tổng giá trị trên tàu anh Thơ là 600 triệu đồng. Vậy mà chỉ một cơn bão biển, tài sản ấy đã tan thành bọt nước.

Chị Nhung ôm đầu: "Ngân hàng lãi thấp, còn đầu nậu thì lãi suất có người lấy 30 – 40%/tháng, người thì "bóp" 50 – 60%/tháng đâu phải ít. Bây giờ tàu mất rồi, chẳng biết lấy gì để trả nợ hằng tháng cho đầu nậu đây?".

Nhìn những phụ nữ có chồng trong số 6 người đi bạn trên tàu của anh Nguyễn Văn Tẩn bị nạn trên biển chưa tìm được, ruột gan ai cũng như dao cắt. Tại chỗ đặt máy Icom, những phụ nữ này ngồi câm lặng, có chị gục đầu xuống gối, vai run lên theo từng cơn nấc nghẹn. Dù chúng tôi đến hỏi chuyện cách mấy cũng không ai nói được một lời.

Tại nhà đặt máy Icom, chúng tôi còn gặp chị Phạm Thị Ngọc (1968) là vợ của thuyền trưởng tàu QNg 95904 TS Nguyễn Văn Trung. Chị cứ thẫn thờ theo dõi từng lời nói của anh Nguyễn Văn Nam.

Hỏi chuyện thì chị cho biết, có thông tin nói chồng chị và 9 người trên tàu QNg 95904 TS đã được cứu vớt. Thế nhưng, khi anh Nam liên lạc qua máy Icom thì các ngư dân đang ở vùng bão đi qua trên biển Hoàng Sa bảo là chưa tìm được.

Chị bảo rằng, nếu 10 ngư dân, trong đó có chồng chị được cứu vào sáng ngày 17/7 thì không lý gì không liên lạc về với gia đình để cho người thân được vui, bớt đi lo lắng.

Còn theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh, đến trưa ngày 18/7, 6 ngư dân trên tàu QNg 55940 TS vẫn chưa tìm được. Còn trường hợp tàu cá mang số hiệu QNg 95904 TS của ông Nguyễn Văn Trung, quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, bị bão đánh chìm tại khu vực đảo Xà Cừ - Hoàng Sa, trên tàu có 13 lao động, trong đó có 3 ngư dân đã được cứu hộ lên tàu QNg 95613 TS của ông Võ Văn Lựu, còn lại 10 người đã được tàu ông Phan Thanh Bình ở An Hải (Lý Sơn) cứu hộ và đang hỗ trợ trục vớt tàu ông Trung.

Như vậy thông tin về tàu cá QNg 95904 vẫn còn chưa rõ, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh để thông báo để ngư dân biết.

Trong thời gian đến, ngư dân bị thiệt hại do bão số 1/2010 gây ra rất cần sự trợ giúp từ phía chính quyền và các ngành, các cấp, để họ được tiếp tục ra khơi và ổn định cuộc sống.

Theo Báo Quảng Ngãi