Cắm 3 sổ đỏ chơi lan đột biến, bỏ cả nửa tỷ đồng mua mầm lan, giờ ngồi khóc

Cắm 3 sổ đỏ cho ngân hàng, anh Ngọc đầu tư tiền tỷ mua lan, có những mầm giá nửa tỷ đồng nhưng hiện thanh lý vài trăm nghìn đồng cũng không có người mua. Bây giờ, anh phải đi bốc vác kiếm tiền trả nợ.

Sau một ngày bốc hàng, anh Thế Ngọc (Phú Thọ) vẫn miệt mài tưới nước cho hơn 500 giỏ lan đang ế khách vì dù đã được đại hạ giá nhưng không có người mua. Sau gần 4 năm rót tiền trồng lan đột biến theo phong trào, anh vẫn nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng với lãi suất 11%/năm mà chưa rõ ngày nào mới hết nợ.

Chi nửa tỷ đồng mua một mầm lan đột biến

Anh Ngọc rót tiền vào lan năm 2018, bắt đầu từ dòng lan 5 cánh trắng Phú Thọ, sau đó "cơn sốt" lan tiếp tục lan sang những dòng lan cánh trắng Hiển Oanh (HO), lan Bạch tuyết...

Trong đó, dòng lan 5 cánh trắng Phú Thọ có nguồn gốc từ chính quê anh sống. "Trước đây dòng này hiếm, trong xã chỉ 1-2 nhà có. Họ thổi giá và gọi đây là dòng đột biến. Ban đầu, giá chênh cao hơn các dòng khác nhưng không quá nhiều, sau đó mới bị hét giá lên", anh kể.

Những giỏ lan đột biến của anh Ngọc vẫn ế khách. Anh Ngọc còn hơn 500 giỏ lan (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh Ngọc là một trong nhiều người đã tham gia vào trào lưu trồng lan. Để gây được lan, anh phải mua mầm. "Tôi mua mầm của tất cả các loại lan hiếm thời điểm đó để gây cho đa dạng. Có những mầm vài triệu, có mầm vài chục triệu nhưng cũng có những mầm lên tới 500 triệu đồng. Mỗi mầm chỉ dài 1-2 cm", anh cho hay.

Số tiền lớn nên anh Ngọc phải vay mượn thêm họ hàng để đầu tư. Ngoài ra, anh "cắm" 3 sổ đỏ ở ngân hàng để vay hơn 2 tỷ đồng, với hy vọng những giỏ lan sau vài năm sẽ giúp anh đổi đời.

Thực tế, thời điểm bắt đầu "sốt" lan, giao dịch dễ vì có nhiều người mua bán. "Năm 2021 là thời điểm lan đột biến có giá đỉnh điểm, nhưng đỉnh diễn ra không lâu. Lan lên giá nhanh nhưng xuống giá cũng nhanh hơn nhiều lần", anh bộc bạch.

"Cả khu cùng đua nhau trồng lan đột biến khiến nó không còn hiếm nữa. Vào vườn nhà ai cũng thấy lan đột biến. Sau 2-3 năm, họ cũng giống tôi, nhận ra những chậu cây tiền tỷ không còn giá trị gì nữa", anh Ngọc nói.

Tá hỏa phát hiện ra lan đột biến tiền tỷ chỉ là giao dịch ảo

Trong gần 3 năm từ lúc trồng lan cho đến khi diễn ra "cơn sốt" lan năm 2021, anh Ngọc có tổng hơn 500 giỏ lan. Ban đầu, anh có vài mầm, sau mua thêm và khi lan lớn lại tiếp tục gây thêm lan.

Sở hữu nhiều song lan không còn "đột biến". Anh Ngọc cũng từng chốt lời nhiều giỏ lan nhưng niềm vui diễn ra không lâu. Giá lan bất ngờ lao dốc mà theo anh Ngọc là "không kịp chống đỡ".

"Tôi đã chứng kiến một thời cây cảnh cũng bị đẩy giá và lao dốc. Cũng biết lan rồi sẽ có ngày giảm, nhưng tôi nghĩ sẽ giảm từ từ chứ không ngờ đẩy lên cao vút như vậy xong rồi sập luôn. Chỉ trong vòng vài tháng, giá lan sập, tôi không kịp trở tay", anh chua chát nói.

Mấy chậu lan kiếm đột biến của anh Ngọc ở Phú Thọ gần 2 năm trước từng được định giá cả tỷ đồng, giờ nằm chỏng chơ, chẳng ai mua (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bất ngờ nhất với anh Ngọc là các thông tin giao dịch lan tiền tỷ trên mạng xã hội chỉ là ảo. Anh kể: "Lúc đó không chỉ tôi, tất cả người xung quanh trồng lan đều tá hỏa. Anh em không phải ai cũng có tiền, đều đi cắm sổ đỏ vay nợ như tôi cả. Thời điểm phát hiện ra và lan xuống giá không còn người mua nữa, tôi vẫn nợ gần 2 tỷ đồng ở ngân hàng".

Chưa kể, trồng lan, theo anh Ngọc, không hề đơn giản. Suốt một thời gian dài, anh Ngọc không đi làm gì, chỉ ở nhà nghiên cứu cách chăm lan, dồn bao tâm huyết. Vậy nhưng mấy chậu lan đột biến tưởng được định giá vài tỷ đồng giờ nằm chỏng chơ, chẳng ai mua. Mức giá chênh nhau giữa giá hiện tại và trước đó lên tới hàng nghìn lần.

Bốc vác kiếm tiền trả nợ "nghiệp chơi lan"

Sau này, khi lan xuống giá cũng là lúc hàng loạt cảnh báo về lan đột biến và nguy cơ vỡ nợ khi đầu tư vào loại này. Các nguyên nhân gồm thổi giá quá cao so với giá trị thực sự của lan, nguy cơ mua phải lan giả mạo, nhân giống đại trà...

Biết sẽ không bao giờ quay trở lại thời kỳ "đột biến" như trước nên thay vì tiếp tục chăm sóc lan, anh Ngọc giao cho người nhà làm và đi bốc vác kiếm tiền trả nợ. Lan đột biến một thời "đắt hơn vàng", giờ lâm cảnh để đó cho đỡ trống vườn.

Anh Ngọc từng hạ giá với 20.000 đồng/cm lan để thanh lý nhưng không có người mua. "Quanh đây các nhà cũng diễn ra tình trạng tương tự. Có nhà nợ vài tỷ đồng, tôi thì vẫn nợ hơn 1 tỷ đồng", anh nói.

Thất thu vì cơn sốt lan đột biến thoái trào, anh Ngọc đi làm bốc vác với mức thu nhập 300.000 đồng/ngày để trả dần nợ. "Nhưng làm còn phải nuôi sống gia đình, lãi ngân hàng còn không trả đủ thì biết bao giờ mới hết nợ. Chắc chỉ còn nước bán nhà", anh Ngọc chua chát nói.

Thời điểm đầu năm 2021, thị trường xuất hiện những giao dịch lan đột biến trên khắp cả nước. Các thương vụ được livestreams rầm rộ, với số tiền thông báo lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tùy vào đặc điểm màu của cánh, mắt, lưỡi hoa, nhà vườn, địa điểm phát hiện, giới chơi cây đặt cho lan những cái tên như 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng HO, Bạch Tuyết, Ngọc Sơn Cước... Không ít hộ dân vay nợ, chi hàng tỷ đồng đầu tư vào lan đột biến với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên lan đột biến dần hết thời, bị hạ giá thấp hơn hàng nghìn lần, ế chỏng chơ.

Tổng cục Thuế từng phải vào cuộc bằng cách phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và đưa ra hàng loạt quy định để thu thuế, quản lý hoạt động giao dịch lan đột biến.

Công an tại nhiều tỉnh cũng ra khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đơn vị chức năng cũng cảnh báo dấu hiệu lừa đảo liên quan đến các giao dịch mua, bán lan đột biến gen nhằm trục lợi.

Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn một số tỉnh cũng được yêu cầu phải chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao, nhất là có liên quan đến yếu tố lan đột biến.

Link gốc: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cam-3-so-do-choi-lan-dot-bien-bo-ca-nua-ty-dong-mua-mam-lan-gio-ngoi-khoc-20221203014531977.htm?

Theo Dân Trí