Cách khắc phục chứng hôi miệng

TPO - Sáng ngủ dậy chúng ta thường có cảm giác bị hôi miệng, đó là hiện tượng sinh lý bình thường do vi khuẩn tích tụ qua đêm. Hôi miệng ở mọi thời điểm trong ngày mới là điều đáng lưu tâm và cần được xử lý triệt để.

Hôi miệng ảnh hưởng đến tinh thần của chủ nhân không nhỏ

Cặp môi đẹp mịn màng, màu tươi góp phần quan trọng vào dung nhan của một con người. Đi kèm với đó, hơi thở thơm tho cũng là một điểm cộng hình thức, dễ tạo được cảm tình trong giao tiếp. Chính vì vậy chứng hôi miệng tuy không phải là vấn đề y tế lớn, nhưng nó lại khiến chủ nhân rất mất tự tin và thường khiến người đối diện khó chịu. Người bị hôi miệng có thể bị xa lánh, khó thiết lập các mối quan hệ tình cảm, do đó ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tinh thần.

Cặp môi chỉ đẹp hoàn hảo khi bạn có hơi thở thơm tho.

Vì sao hơi thở hôi?

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Phú (BV ĐH Y Hà Nội), sâu răng là yếu tố số 1 gây nên hôi miệng. Những mẩu thức ăn vụn bám quanh răng là thủ phạm làm hơi thở có mùi. Thực phẩm có tinh dầu như hành, tỏi và một số loại gia vị khác cũng vậy. Sau khi được tiêu hóa, tinh dầu những loại thực phẩm có mùi hăng cay này vào máu và được thải trừ qua phổi làm hơi thở hôi cho đến khi những chất này được thải trừ hết khỏi cơ thể.

Sâu răng là yếu tố số 1 gây nên hôi miệng.

Vệ sinh răng không đều đặn, không đúng cách, không sạch hết các mẩu thức ăn bám quanh răng và trong kẽ răng, cộng với các bệnh quanh răng sẽ là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và sinh các chất gây hôi như hydrogen sulfide (tương tự như các hợp chất gây mùi trứng thối) phát tác. Những lớp vi khuẩn bám quanh răng, nếu không được loại bỏ thường xuyên khi đánh răng sẽ tạo các mảng bám quanh chân răng, gây viêm răng lợi và làm hơi thở hôi. Bề mặt lưỡi cũng có thể là nơi chứa nhiều vi khuẩn góp phần gây hôi miệng.

Nhiều trường hợp hơi thở hôi không có nguyên nhân từ răng miệng mà do các bệnh nội khoa. Điển hình là các bệnh gan làm hơi thở có mùi cá. Những người xơ gan, suy giảm chức năng gan cũng bị hôi miệng. Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản cũng thường làm hơi thở có mùi hôi. Sản phẩm chuyển hóa của một số thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp, bệnh lý thận, bệnh lý tâm thần cũng có thể gây hơi thở hôi khi được thải trừ qua phổi.

Các bệnh lý của mũi xoang cũng làm hơi thở hôi khi bị viêm nhiễm tạo ra các chất dịch viêm, mủ chảy xuống khoang mũi sau. Những viêm nhiễm của hầu họng như viêm amidan, viêm họng hạt, viêm loét thanh-khí-phế quản, bệnh lý bẩm sinh của khoang mũi miệng như hở hàm ếch… cũng là điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở và làm hơi thở hôi.

Uống nước thường xuyên để tránh bị khô miệng, một trong những nguyên nhân khiến hơi thở "bốc mùi".

Khô miệng cũng là nguyên nhân của hôi miệng. Khi khô miệng, lượng nước bọt tiết ra rất ít và ứ đọng làm vi khuẩn phát triển nên miệng thường có mùi hôi.

Khói thuốc lá, thuốc lào cũng chứa nhiều hợp chất mà khi bám quyện với nước bọt tạo mùi rất hôi.

Ngoài ra, một số người đi bọc răng sứ nhưng quy trình không đảm bảo kỹ thuật thì cũng có thể bị hôi miệng do bị viêm nhiễm.

Làm thế nào khi bị hôi miệng?

Cách cơ bản phòng tránh hôi miệng là giữ vệ sinh răng miệng đúng cách. Một mẹo nhỏ đơn giản nhưng hữu hiệu để làm sạch răng đó là khi ăn bất cứ thực phẩm gì xong, bạn hãy xúc miệng ngay và thật mạnh với những ngụm nước nhỏ. Lượng nước nhỏ sẽ khiến công lực mạnh hơn khi chúng ta làm động tác xúc miệng, đủ để thải hết các vụn thức ăn bám vào răng. Hành động này được các nha sĩ đánh giá là làm sạch răng công hiệu hơn cả đánh răng.

Sữa chua có công dụng khử mùi khó chịu trong hơi thở của chúng ta.

Uống nước thường xuyên để giữ ẩm miệng. Hạn chế ăn các loại hành tỏi, ít sử dụng nước uống và thực phẩm có hàm lượng đường cao, không hút thuốc… Một số thực phẩm giúp bạn có hơi thở thơm như quế, mật ong, dứa, lá bạc hà, gừng, chanh, sữa chua. Hoặc nhanh gọn nhất, bạn sử dụng kẹo cao su, nước súc miệng diệt khuẩn, viên ngậm thơm miệng…

Lá bạc hà, thảo dược trị hôi miệng.

Ngoài ra, cần xử lý triệt để các bệnh lý có thể gây hôi miệng.