Trần Hải Lâm: chắc phải chia tay với nghiệp cầu thủ

Các cầu thủ U23 nói gì trước khi ra tòa ?

Chiều tối qua và sáng nay (23/1), các cầu thủ là bị can được tại ngoại có mặt tại TP HCM để chuẩn bị hầu tòa vào 25/1. Tâm sự với PV, các cầu thủ đều không giấu được nỗi lo...

Dự kiến, trong hai ngày 25 và 26-1, TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ tiêu cực xảy ra tại SEA Games 23 đối với tám bị can nguyên là các tuyển thủ U23 quốc gia.

Phạm Văn Quyến: “Tôi xin nhận hậu quả...”

“Nhỏ tuổi, lần đầu tiên ra tòa, tôi không biết phải làm sao đây, tôi run quá” - Quyến nói. Cùng vào TP.HCM với Quyến lần này có mẹ của Quyến, căn nhà ở quê Quyến nhờ cậu mợ trông giùm.

Vào TP.HCM, mẹ con Quyến sẽ ở nhờ nhà người quen mấy hôm. Quyến được luật sư Phạm Liêm Chính (Hà Nội) bào chữa miễn phí nên rất mừng.

Quyến cho biết từ ngày được tại ngoại đến nay Quyến chẳng làm được chuyện gì ra trò vì mải lo về phiên tòa. 20 triệu đồng nhận được sau vụ dàn xếp tỉ số Quyến đã mang nộp cho cơ quan điều tra, nên mọi chi tiêu chỉ biết dựa vào khoản tiền lương gần 1 triệu đồng của mẹ.

“Tôi đã nhận thấy có lỗi với gia đình, với người hâm mộ... Tôi xin nhận hậu quả, đó là cái giá phải trả. Nhưng tôi chỉ xin được tòa thấu hiểu cho sự nông nổi của tuổi trẻ để tôi còn cơ hội quay về làm cầu thủ”.

Trần Hải Lâm: chắc phải chia tay với nghiệp cầu thủ

“Tôi nay đã 25 tuổi, nếu phải mang án kỷ luật cấm thi đấu 4-5 năm thì tuổi đời đã ngấp nghé 30, chắc rất khó để trở lại xỏ giày ra sân.

Tôi dự tính sẽ nhờ bạn bè, người quen giúp đỡ, xin cho vào làm việc tại một công ty nào đó có phong trào đá bóng, để ngoài giờ làm việc, tôi còn cơ hội chơi bóng, giữ được đam mê của mình”. Trần Hải Lâm đã dự kiến cho tương lai mình như vậy.

Nói về phiên tòa sắp tới, Lâm cho biết mặc dù đã có luật sư nhưng Lâm cảm thấy rất lo. “Tuy nhiên, đó là cái giá phải trả cho hành động nông nổi của mình. Tôi chỉ mong được thông cảm, cho hưởng mức án nhẹ”.

Hải Lâm nói khi nhận lời dàn xếp tỉ số, anh không nghĩ là có tội vì đảm bảo VN vẫn thắng một bàn chứ không thua. Chỉ đến khi vào C14 (cơ quan điều tra), được phân tích Lâm mới thấy tội lỗi của mình.

Châu Lê Phước Vĩnh: ngoài đá bóng chẳng biết làm gì

Cũng như Văn Quyến và Hải Lâm, Châu Lê Phước Vĩnh chỉ xin được khoan hồng, xử nhẹ để sớm có ngày trở lại. Theo Vĩnh, đây là bài học quá đắt cho sự thiếu suy nghĩ của mình.

“Chán nản lắm, lúc nào cũng suy nghĩ đến chuyện đó nên không làm được việc gì. Tôi mong phiên tòa sớm kết thúc để sớm thoát ra khỏi sự bứt rứt, buồn rầu.

Mặc dù được ba mẹ thông cảm, được người yêu chia sẻ nhưng tôi cứ dằn vặt mãi. Gia đình vốn đã không khá giả, mẹ thì bị tật, nay phải nuôi tôi, lo tiền cho tôi đi ra đi vào phục vụ điều tra, hết sức khó khăn”.

Theo Vĩnh, tương lai của anh vẫn phải là đá bóng, vì đá bóng là cái nghiệp của anh, ngoài đá bóng ra anh chẳng biết làm chuyện gì.

Cầu thủ Văn Quyến nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử

Họ đã “móc độ” như thế nào?

Cáo trạng truy tố Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm, Châu Lê Phước Vĩnh và Trương Tấn Hải (Hải cũng liên quan đến chuyên án mua chức vô địch mùa bóng 2000-2001 của đội Sông Lam Nghệ An) về tội “tổ chức đánh bạc”.

Riêng Lê Quốc Vượng bị truy tố về hai tội “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc”. Điều đáng nói, trong vụ án này đối tượng Lý Quốc Kỳ (sinh 1970, trú tại P.18, Q.4, TP.HCM) - nhân vật đầu mối và đường dây mối nhợ dẫn đến hậu quả tiêu cực - đã trốn thoát và hiện đang bị truy nã đặc biệt trên toàn quốc.

Trước ngày U23 VN lên đường dự SEA Games 23, Lý Quốc Kỳ đã chỉ đạo Trương Tấn Hải bằng mọi giá phải móc nối cho được với Quốc Vượng. Do trước đây Trương Tấn Hải thi đấu cho đội Cảng Sài Gòn nên có quen biết với Nguyễn Phi Hùng (đội Sông Lam Nghệ An). Qua Hùng, Hải xin được số điện thoại của Vượng.

Vài ngày trước khi đội tuyển U23 lên máy bay sang Philippines dự giải, Trương Tấn Hải đã gặp riêng Quốc Vượng tại một khách sạn sang trọng ở TP.HCM để bàn bạc việc “làm ăn”. Theo đó, trước mỗi trận U23 VN ra sân, Lý Quốc Kỳ sẽ báo tỉ lệ kèo độ cho Tấn Hải để Hải báo cho Quốc Vượng tổ chức dàn xếp tỉ số.

Ngày 24-11-2005, trước khi diễn ra trận đấu giữa U23 VN và U23 Myanmar, Quốc Vượng nhận được “tin báo” từ VN của Tấn Hải: “Nếu thắng Myanmar 1-0, hoặc cách biệt một bàn thì sẽ được chung tiền”.

Nhận được “mật lệnh”, sau buổi họp kỹ thuật toàn đội vào trưa cùng ngày, tại phòng 214 (phòng của Vượng) ở một khách sạn tại Bacolod (Philippines), Vượng đã tổ chức “họp khẩn” với Hải Lâm, Văn Quyến, Bật Hiếu, Văn Trương và Phước Vĩnh.

Vượng nói: “Ở nhà, kèo VN chấp Myanmar rất cao, nếu ở đây mình đá thắng cách biệt một bàn thôi thì sẽ có người cho tiền từ 20-30 triệu đồng/người. Ngoài ra, nếu có ai muốn cá độ thêm thì cá”.

Quyến hỏi: “Có rủ ai nữa không, nếu đá thắng mà có tiền thì sợ gì không đá”. Nghe vậy, cả nhóm nhất trí và kéo nhau đi ăn cơm trưa.

Để vụ dàn xếp chắc chắn hơn, ăn trưa xong, năm cầu thủ này quay lại phòng của Vượng. Vượng gọi thêm Phước Vĩnh, Tấn Tài, còn Văn Trương thì gọi Tài Em. Riêng Quốc Anh không rõ ai gọi nhưng cũng có mặt.

Khi các cầu thủ đến đầy đủ, Văn Trương nói ý định “bán độ” cho cả nhóm biết. Nghe chuyện, Tài Em không đồng ý và bỏ về phòng, còn Tấn Tài nói: “Em giúp mấy anh đá thắng chứ chuyện tiền bạc em không dính vào”. Tài Em đã báo cáo vụ việc cho HLV phó Lê Thụy Hải và trợ lý ngôn ngữ Trần Hùng Cường.

Ăn chặn tiền độ và kiếm thêm

Theo thỏa thuận giữa Vượng và Tấn Hải, mỗi cầu thủ đồng ý dàn xếp tỉ số sẽ được chia 30 triệu đồng. Sau khi móc được với đồng đội, Vượng lập tức báo về cho Tấn Hải biết có tám người tham gia, nghĩa là sau khi đá xong tỉ số đúng như hợp đồng, Tấn Hải phải chung đủ 240 triệu đồng để Vượng chia anh em. Tấn Hải thông báo tin này cho “trùm” Lý Quốc Kỳ và được Kỳ chấp thuận.

Để kiếm thêm, Vượng gọi điện về hỏi Hải kèo VN chấp Myanmar bao nhiêu, Hải trả lời: “VN chấp 1,5 trái, nếu VN chỉ thắng cách biệt một bàn thì người bắt cửa dưới (Myanmar - PV) sẽ thắng độ”. Nghe xong Vượng liền nhờ Hải đánh hộ “kèo dưới” với số tiền cược đến 250 triệu đồng.

Đúng như “kịch bản” đã sắp sẵn, trận gặp Myanmar, U23 VN thắng sát nút 1-0. “Trùm” Lý Quốc Kỳ đã giữ đúng lời hứa, giao ngay cho Tấn Hải 490 triệu đồng, gồm 240 triệu tiền hợp đồng bán độ và 250 triệu đồng tiền Vượng... thắng độ để Tấn Hải trả Vượng.

Sau khi trận đấu kết thúc, Vượng điện thoại về VN cho bạn gái là Phạm Thị Cẩm L., làm tiếp viên hàng không (cùng quê Nghệ An với Vượng), nhờ lấy hộ số tiền mà Tấn Hải trả cho Vượng.

Theo cáo trạng, Lý Quốc Kỳ chi cho tám người mỗi người 30 triệu như hợp đồng, nhưng khi chia chác số tiền “bẩn” này, Vượng đã cắt bớt của đồng đội và chỉ đưa mỗi người 20 triệu đồng.

Cụ thể Vượng đưa Văn Quyến, Bật Hiếu, Quốc Anh mỗi người 20 triệu; gửi Quốc Anh cầm hộ Phước Vĩnh 20 triệu đồng (Văn Trương và Hải Lâm chưa nhận tiền), tổng cộng là 80 triệu đồng. Còn 410 triệu đồng Vượng gửi Phạm Thị Cẩm L. giữ hộ 5.000 USD và 10 triệu đồng, số còn lại Vượng... tiêu xài hết.

Theo Tuổi trẻ