Các anh về với người thân từ lòng đất Mẹ

TP - Hơn 49 năm nằm lại tại sân bay Biên Hòa sau trận chiến ác liệt Tết  Mậu Thân năm 1968, ngày 12/7/2017, các anh từ lòng đất Mẹ ấp iu, đã trở về với người thân, về với đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai trong sự đưa tiễn trang trọng và  ấm áp  của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Các anh đã hòa vào đất mẹ

Non nửa thế kỷ, khi được tìm thấy dưới lòng đất lạnh trong hố chôn tập thể ngày ấy, thân xác các anh đã hòa vào đất Mẹ. Những gì tìm được của các anh là một phần xương cốt, những di vật như quần áo bộ đội, dép cao su, tăng, võng, bi  đông, vật dụng cá nhân, những kỷ vật của người  thân… Theo số liệu của ban chỉ đạo tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tỉnh Đồng Nai thì hàng trăm cán bộ, chiến sĩ  của Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa đã hy sinh tại khu  vực sân bay Biên Hòa trong cuộc tấn công vào sân bay này vào đêm 31/1/1968. Còn theo xác nhận của 2 cựu binh Mỹ Martin E.Strones và Bob Connor đã có mặt tại sân bay Biên Hòa nơi họ từng tham chiến gần 50 năm trước thì sau trận đánh có khoảng 150 chiến sĩ giải phóng được chôn chung vào một hố đất ở một góc sân bay. Chính sự có mặt chỉ dẫn của 2 cựu binh Mỹ này mà cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhanh chóng có kết quả.

Theo tỉnh Đồng Nai, từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, địa hình, địa vật ở sân bay Biên Hòa có nhiều thay đổi. Các nhân chứng có người đã mất, nhiều người đang sinh sống trên mọi miền đất nước. Do đó việc xác định thông tin, khảo sát quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa Xuân Mậu Thân năm 1968 gặp rất nhiều khó khăn. Với nhiều nỗ lực tìm kiếm, trưa 17/4/2017, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện ra hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa năm 1968. Quá trình khai quật các hài cốt, di vật được xác định của các chiến sĩ đã hi sinh trong đêm 31/1/1968. Do thời gian quá lâu, hài cốt liệt sĩ đã phân hủy nên chưa biết được con số cụ thể. Qua xác minh, đến nay tỉnh đã xác định được quê quán của 72 liệt sĩ và có 66 liệt sĩ có thân nhân từ 23 tỉnh, thành phố về tham gia lễ truy điệu và an táng.

Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ được nói đến trong buổi lễ truy điệu đầy cảm xúc, nhắc lại lịch sử hào hùng đầy bi tráng. Trận tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào sân bay Biên Hòa - là mũi tiến công có ý nghĩa quan trọng của quân và dân ta nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đồng thời phá hủy kho tàng, hậu cứ của địch, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa đầu năm 1968, quân giải phóng tham gia gồm có: Lực lượng Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 4 - Sư đoàn 5, tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa và các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh Biên Hòa. Tuy nhiên do lực lượng quá chênh lệch, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Sau trận đánh, địch đã dùng bom xăng để thiêu hủy thi thể bộ đội, vùi lấp trong hố chôn tập thể ở vị trí trong khu vực sân bay. Các chiến sĩ ta đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ độ 18, đôi mươi.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kính cẩn truy điệu các liệt sỹ.

Trong điếu văn tại lễ truy điệu, ông Lê Văn Dành, Bí thư Thành ủy TP Biên Hòa nghẹn ngào nói: “Đã 49 năm qua đi, hình hài xương thịt các đồng chí đã biến thành đất đá cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất Mẹ, xuôi về cội rễ, cội nguồn dân tộc, để lại hành trang độc lập, tự do. Lòng đất Mẹ ơi! Bâng khuâng làm sao, cõi lòng sâu nặng, sâu lắng cả lời, làm sao biết được anh, chị tên gì, để tạc dạ vào bia đá sử và cho muôn đời con cháu mai sau ghi ơn ngưỡng vọng, cho trái tim hiển linh muôn thuở ơn người. Dẫu cho thời gian có trải qua 49 năm dài đằng đẵng nhưng việc tìm được hài cốt của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân năm 1968 là niềm vui mừng khôn xiết, vì đó là tâm nguyện ấp ủ từ lâu của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với những người đã hy sinh xương máu vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc”.

Ngày đó các anh đi

Có mặt tại lễ truy điệu, bà Trần Thị Nhu quê ở Thái Bình có anh trai là liệt sĩ Trần Văn Kiện (SN 1942), không ngừng lau nước mắt. Bà Nhu trông lên dãy quan quách phủ cờ Tổ quốc bên trong đó là một phần xương cốt, những di vật của các liệt sĩ và bà tin chắc trong số đó có người anh thân thương của bà. Ngày anh trai nhập ngũ vào năm 1966, bà Nhu mới là đứa trẻ lên 6. Bà còn nhớ anh trai của bà đang là giáo viên dạy học tại Kiến An (Hải Phòng), vừa cưới vợ xong thì xung phong nhập ngũ vào Nam chiến đấu.  Đến năm 1972, gia đình bà Nhu  nhận được giấy báo tử cho biết liệt sĩ Trần Văn Kiện hy sinh tại mặt  trận phía Nam vào năm 1968. Sau ngày thống nhất đất nước, chỉ với dòng thông tin ít ỏi đó, gia đình bà đã tìm khắp các tỉnh khu vực miền Nam nhưng thông tin về liệt sĩ vẫn bặt tăm. Trong niềm xúc động, bà Nhu nói: “Gia đình chúng tôi quá vui mừng khi nhận được thông tin, như vậy bố mẹ tôi cũng đã toại nguyện điều mà ông bà vẫn còn day dứt cho đến khi mất. Có điều trăn trở là chúng tôi không đưa được anh về với quê hương”. Một điều trăn trở khác là trên mảnh đất miền Nam này bà Nhu còn một người anh trai là liệt sĩ Trần Văn Hiện. Liệt sĩ Hiện được báo tử hy sinh vào ngày 27/7/1968 trên chiến trường miền Nam, nhưng đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy được mộ phần,
hài cốt.

Những người thân của liệt sĩ rưng rưng trong niềm xúc động.

Ông Nguyễn Văn Hồng (quê tỉnh Hải Dương) có bố là Nguyễn Văn Phú hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa. Tháng 3/2017 khi có thông tin tìm được hài cốt liệt sĩ tại sân bay Biên Hòa, ông Hồng vô cùng xúc động và tin chắc ông sẽ được gặp bố dù đó chỉ là một phần xương cốt.  Ông Hồng kể: “Lúc bố đi bộ đội tôi còn rất nhỏ. Bố có về thăm một lần. Gần nửa thế kỷ, tôi mong mỏi tới ngày tìm thấy hài cốt bố mình, đó là niềm ao ước lớn nhất cuộc đời tôi”.

Còn ông Hoàng Văn Hàn, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc vào Đồng Nai dự lễ truy điệu và an táng hài cốt anh trai là liệt sĩ Hoàng Văn Lê (thuộc Tiểu đoàn Đặc công U1 Biên Hòa). Ông Hàn xúc động kể: “Tôi còn nhớ như in hình ảnh anh trai ngày lên đường nhập ngũ, lúc đó anh mới 18 tuổi. Năm 1968, anh Lê hy sinh nhưng mãi tới năm 1972 gia đình tôi mới nhận được giấy báo tử. Khi đó mẹ tôi đã khóc ngất đi, cả nhà chìm trong đau buồn. Mẹ tôi mất năm 1991 nhưng không thể an lòng vì mong ước tìm thấy hài cốt con trai đưa về quê chưa thực hiện được”. Ông Đỗ Văn Năm (quê ở TP.Hải Phòng) là một trong những chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa từng tham gia trận đánh sân bay Biên Hòa. Ông Năm may mắn sống sót sau trận đánh ác liệt này, chính vì vậy ông mong từng ngày tìm được hài cốt của đồng đội. Khi nghe tin tìm thấy đồng đội, ông muốn vào ngay Biên Hòa để thắp hương cho đồng đội.

Lặng lẽ ôm di ảnh anh trai của mình là liệt sĩ Nguyễn Huy Miên (SN 1948), ông Nguyễn Huy Tuyên đến từ tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 1974 gia đình nhận được giấy báo tử liệt sĩ Miên hi sinh tại chiến trường miền Nam vào năm 1968. Mấy chục năm tìm kiếm trong vô vọng, hôm nay cả gia đình ông vỡ òa trong niềm cảm xúc lớn lao khi nhận thông tin chính xác về liệt sĩ. Ông có mặt tại lễ truy điệu và an táng liệt sĩ cùng với nắm đất mang từ quê  hương  Hưng Yên vào, hòa cùng nắm đất được các thân nhân liệt sĩ mang đến từ 23 địa phương- nơi xác nhận được thân nhân của 72 liệt sĩ hy sinh hòa vào lòng đất Mẹ, hòa vào ngôi mộ chung đã được xây cất trang trọng tại Nghĩa trang Biên Hòa.

“Đã 49 năm qua đi, hình hài xương thịt các đồng chí đã biến thành đất đá cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất Mẹ, xuôi về cội rễ, cội nguồn dân tộc, để lại hành trang độc lập, tự do. Lòng đất Mẹ ơi! Bâng khuâng làm sao, cõi lòng sâu nặng, sâu lắng cả lời, làm sao biết được anh, chị tên gì, để tạc dạ vào bia đá sử và cho muôn đời con cháu mai sau ghi ơn ngưỡng vọng, cho trái tim hiển linh muôn thuở ơn người”. Trích diễn văn tại lễ truy điệu.