> Người nuôi cá tra đang lỗ
> Đề nghị kéo dài thời hạn vay vốn nuôi cá tra
Khó khăn chồng chất
Theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm, diện tích cá tra cả nước đạt 5.700 ha, sản lượng khoảng 390.000 tấn. Hiện người nuôi cá tra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang bị thua lỗ, do giá cá tra nguyên liệu chỉ 21.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành 1.000-2.000 đồng/kg.
Do thua lỗ kéo dài, lại không vay được vốn, dù lãi suất đã giảm, nên thời gian tới diện tích nuôi cá tra có thể tiếp tục bị thu hẹp.
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra cho biết, DN thường giải quyết nguyên liệu của họ trước, nếu thiếu thì mới mua của hộ nuôi. Hơn nữa, dân bán cá phải bán rẻ hơn thì DN mới mua, còn cao hơn họ bắt cá ao nhà. “Do không bán được cá, lại chịu sức ép về lãi vay, nên người nuôi thường phải bán tống bán tháo”, vị này nói.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, có hiện tượng cá giống thả bị ứ, bán khó, chứng tỏ việc thả cá ít đi. Việc người nuôi treo ao là có.
Nếu duy trì tình trạng này, cuối năm khi cầu tăng lên thì khả năng nguồn cung lại thiếu hụt, lúc đó, giá cá có thể bị đẩy lên. Mặt khác, nhiều nhà làm giống sản xuất ra nhiều để đón đầu, nhưng tình hình thực tế lại không như dự báo, nên con giống thừa nhiều dẫn đến thua lỗ.
Trong khi giải quyết vấn đề người dân nuôi cá thua lỗ đang là bài toán khó thì việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam trong đợt xem xét lần thứ 8 (POR8) càng khiến ngành chăn nuôi cá gặp khó khăn gấp bội.
Theo quyết định này, phần lớn các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam bị tăng mức thuế chống bán phá giá, từ 0,77 USD/kg, lên 1,29 USD/kg, tăng 67% so với đợt công bố từ giữa tháng 3/2013. Bị đơn bắt buộc là Cty CP Vĩnh Hoàn, được giữ nguyên mức thuế 0,19 USD/kg, trong khi Cty CP Việt An (Anvifish) bị áp mức thuế cao nhất, từ 1,34 USD/kg lên 2,39 USD/kg.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) lưu ý: DOC tăng mức thuế này lên, do họ có sự sai sót trong cách tính toán khi công bố POR8 ngày 14/3.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, việc tăng mức thuế nói trên, sẽ khiến thị trường Mỹ trở nên hẹp dần, không ít doanh nghiệp sẽ rời bỏ thị trường này. Đây là những mức thuế vô lý.
Vasep cho hay, 4 tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn duy trì là thị trường lớn thứ 2 (sau EU) nhập khẩu cá tra của Việt Nam với 113 triệu USD (đạt 21,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra) và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, với mức tăng “khiêm tốn” trên, thị trường Mỹ đang có xu hướng chững lại, trong khi cùng kỳ này năm trước, cá tra sang Mỹ tăng tới 41,5%.
Tổ chức lại ngành cá tra
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Cty CP Hùng Vương, hiện Việt Nam đã gửi đơn kiện DOC lên tòa án thương mại quốc tế, nên bị truy thu hay không, phụ thuộc vào xét xử của tòa án quốc tế, 2 năm sau mới có kết quả.
Dẫu vậy, trong thời gian này, nếu Cty nào “dính” trong danh sách công bố POR8, sẽ bị áp mức thuế nói trên luôn cho những lô hàng xuất mới vào Mỹ. Do vậy, nhiều DN đã dừng xuất vào thị trường này.
“Việc nuôi cá tra phải có điều kiện, mua bán phải có hợp đồng chặt chẽ, được kiểm soát chất lượng. Cùng đó, phải xây dựng giá sàn nguyên liệu, giá sàn xuất khẩu để người nuôi có lãi, DN chế biến từ đó biết phần của mình làm gì để nâng cao giá trị gia tăng”.
Ông Nguyễn Việt Thắng
Theo ông Minh, việc nâng mức thuế trên cũng không nên quá lo ngại. Hiện có 9 DN xuất khẩu cá tra vào Mỹ “né” được vụ kiện trên, và vẫn xuất khẩu bình thường với giá 3,5-4,5 USD/kg, tùy chất lượng, bao bì. Hơn nữa thị trường Mỹ không hẳn là quá lớn, nhu cầu của họ cũng mức độ và bản thân Mỹ cũng là nước xuất khẩu cá. “Cty tôi cũng bị Mỹ tăng thuế chống bán phá giá, nên tôi chuyển hướng dần tìm sang thị trường khác như EU, Trung Đông…”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Việt Thắng cho rằng, con cá tra cần một giải pháp đồng bộ vì nó là sản phẩm chiến lược quốc gia. Bộ NN&PTNT đang xây dựng về Nghị định thương mại cá tra, nên Vasep, Hiệp hội Cá tra, Hội nghề cá cần ngồi lại với nhau để định hướng về con cá này.
Theo ông Thắng, việc nuôi cá tra phải có điều kiện, mua bán phải có hợp đồng chặt chẽ, được kiểm soát chất lượng. Cùng đó, phải xây dựng giá sàn nguyên liệu, giá sàn xuất khẩu để người nuôi có lãi, DN chế biến từ đó biết phần của mình làm gì để nâng cao giá trị gia tăng.
Theo các doanh nghiệp chế biến, cá tra Việt Nam chủ yếu là dạng phi lê (chỉ chiếm 30% trọng lượng con cá). Trong khi đó, ở châu Âu, Mỹ, dạng phi lê giá rẻ, thậm chí chỉ dành cho người nghèo ăn. Do vậy, cần chế biến sâu, nhiều mặt sản phẩm từ cá tra để tăng giá trị gia tăng, như chế biến da, xương, bột cá, mỡ…
Tiếp đó, nhà nước cũng cần có gói hỗ trợ tín dụng thích hợp, đúng thời vụ. Chẳng hạn, người nuôi cá có chu trình 8 tháng, mà chỉ cho vay trong 6 tháng cũng không ổn. Hay DN chế biến xuất khẩu cả năm mới thu hồi vốn được, mà chỉ cho vay 4 hay 6 tháng, chỉ tính việc lo đáo hạn cũng bở hơi tai rồi.