Bài học trong phòng chống khai thác IUU
Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai nhiều biện pháp trọng tâm để tuyên truyền, đưa Nghị quyết số 04/2024/NQ-HÐTP (Nghị quyết 04) của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đến gần hơn với ngư dân, chủ tàu cá.
Nghị quyết số 04 nêu rõ 11 nhóm hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thuỷ sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, các hành vi vi phạm có thể bị phạt tù cao nhất từ 3 năm đến 22 năm. Hiện Cà Mau đã đưa ra xét xử hình sự 2 vụ án liên quan đến hành vi môi giới đưa người khác trốn ra nước ngoài và khai thác tận duyệt kể từ khi Nghị quyết số 04 ra đời.
Ông Phạm Quốc Sử - Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Tổ trưởng tổ xử lý IUU tỉnh Cà Mau cho biết, khi chưa có Nghị quyết 04, công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản bất hợp pháp gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong áp dụng pháp luật.
“Từ khi có Nghị quyết 04, chúng ta nhìn nhận một cách rõ hơn sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, đặc biệt áp dụng khung hình phạt hình sự. Khai thác IUU là loại tội phạm rất nguy hiểm cho xã hội, trong đó mức độ nguy hiểm lớn nhất liên quan đến hình ảnh quốc gia, dân tộc. Nếu chúng ta không xử lý nghiêm từ đầu toàn bộ mặt hàng thuỷ sản sẽ không xuất khẩu được ra nước ngoài”, ông Sử nói.
Theo ông Sử, qua các phiên tòa lưu động xét xử liên quan khai thác thuỷ sản trái phép, người dân đến theo dõi rất đông, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. “Tại phiên tòa, thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, HĐXX đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật để bị cáo và những người tham dự phiên tòa hiểu và rút ra những bài học cho mình trong việc phòng chống khai thác IUU. Bởi, gỡ bỏ thành công cảnh báo “thẻ vàng” của EC, sinh kế cho ngư dân mới phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Sử thông tin.
Đưa Nghị quyết 04 đến với ngư dân, thuyền trưởng
Xác định Nghị quyết số 04 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, các Đồn Biên phòng trong tỉnh Cà Mau đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thông tin đến người dân trên khu vực biên giới biển. Đặc biệt với ngư dân, thuyền trưởng, chủ phương tiện thường xuyên ra, vào các cửa biển nắm được những nội dung cơ bản, không để vi phạm pháp luật về khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Thượng tá Phan Xuân Huyền - Phó Trưởng phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Chúng tôi luôn mong bà con ngư dân có cuộc sống ấm no, kinh tế phát triển. Tuy vậy, bà con phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Mình làm kinh tế, nhưng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật và không gây ảnh hưởng quan hệ của nhà nước Việt Nam với các nước láng giềng.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã niêm yết, công khai các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự được hướng dẫn tại Nghị quyết 04 tại đồn, trạm kiểm soát Biên phòng, cảng cá, bộ phận một cửa các xã, thị trấn ven biển, với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”.
Tại các vùng nông thôn trong tỉnh, tình trạng dùng kích điện (xiệt cá) đánh bắt nguồn lợi cá đồng cũng giảm đi đáng kể. Bên cạnh việc tăng cường xử lý, cũng có những mô hình hay góp phần giảm thiểu tình trạng khai thác sát hại nguồn lợi. Điển hình như mô hình đổi kích điện lấy gạo của Công an, Hội LHPN xã và Đoàn xã Tân Lộc (huyện Thới Bình). Qua 2 đợt phát động, chưa đầy 2 tháng, người dân đã tự nguyện giao nộp gần 60 bộ kích điện.
Ngay khi được địa phương tuyên truyền, ông Hữu Nghị (ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) đã chủ động liên hệ và đem bộ dụng cụ xiệt cá trị giá 3,5 triệu đồng của gia đình dùng mưu sinh lâu nay đến trụ sở Công an xã Tân Lộc để giao nộp.
"Trước đây cũng không hiểu biết, để mưu sinh hằng ngày cũng đi xiệt cá bán. Phần nào lo cho con ăn học, rồi lo cuộc sống gia đình nữa. Được tuyên truyền thì mới mang xiệt đi nộp, cũng biết đến sự cố tai nạn điện khi xiệt, cũng được nhà nước hỗ trợ ngược lại phần quà, cũng có ý nghĩa. Giờ ở khu vực tôi ở, ai có xiệt cũng mang nộp hết rồi", ông Nghị nói.
Những mô hình đơn giản như đổi nhu yếu phẩm lấy xiệt cá ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình cùng với việc tăng cường tuyên truyền, xử lý việc đánh bắt tận diệt thủy sản đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Sở NN&PTNT Cà Mau cho hay, đầu năm đến nay, người dân đã tự nguyện giao nộp trên 1.800 bộ kích điện; bên cạnh đó, cũng có hơn 500 vụ dùng kích điện khai thác nguồn lợi thủy sản bị xử lý.
Tỉnh Cà Mau đã khởi tố 5 vụ án hình sự, trong đó có 4 vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” với 6 bị can; 1 vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”. Theo đó, TAND tỉnh Cà Mau đã tổ chức 2 phiên tòa xét xử lưu động, tuyên phạt đối với 5 bị can 23 năm tù về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Còn lại 3 vụ án đã khởi tố, lực lượng chức năng tỉnh đang tiến hành điều tra theo quy định.