Thị trường Tết ông Táo:
Cá chép vàng... hóa vàng
Chuẩn bị cho tết ông Táo, năm nay nhiều người dân Hà Nội đã đổ xô đi mua cá chép vàng. Tại làng cá Yên Phụ, đến chiều 25-1 (22 tháng chạp), nhiều hộ kinh doanh đã bán được hàng ngàn con cá chép vàng.
Ảnh: Hải Hồ (Tuổi Trẻ).
Không chỉ cúng cá chép thông thường như phong tục của ông bà vào mỗi dịp 23 tháng chạp, tết ông Công ông Táo, các gia đình ở Hà Nội năm nay đua nhau chọn mua cá chép vàng.
Cá chép vàng “đi” khắp nơi
Cả tuần trước ngày 23 tháng chạp, làng cá Yên Phụ tấp nập người đến mua cá chép vàng. Cửa hàng chuyên bán buôn cá cảnh của anh Phong ở đầu làng Yên Phụ, quận Tây Hồ trưng ngay tại cửa chính một chiếc thuyền tôn lớn chứa đầy ắp cá vàng. Năm nay, loại cá chép giống Nhật Bản, màu vàng cam, to bằng hai ngón tay được nhiều người mua nhất, một phần vì giá rẻ, chỉ khoảng 5.000 đồng/con hoặc 20.000 đồng/3 con.
Chủ các cửa hàng cá cảnh trong làng Yên Phụ cho biết loại cá chép vàng giống Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Quốc khi chúng còn nhỏ xíu như hạt chanh, đem nuôi ở nhiều trại cá các tỉnh xung quanh Hà Nội. Đây là giống cá rất khỏe, có thể sống trong nước rất lạnh.
Những nhà kinh doanh cá cảnh ở làng Yên Phụ trong ngày cao điểm này chỉ tập trung bán buôn, không thèm bán cho khách lẻ vì trung bình mỗi ngày tiêu thụ được hàng ngàn con cá chép vàng.
Từ làng bán buôn cá Yên Phụ, cá chép vàng sẽ tỏa đi khắp các chợ cá, phố cá cảnh trong ngày tết ông Công hôm nay 23 tháng chạp. Theo anh Phong, ngoài các giống cá chép, còn có nhiều giống cá cảnh có màu vàng, hình dạng rất giống cá chép nhưng đó lại là... cá vàng, chỉ dùng để làm cảnh. Trong số này có loại cá vàng đầu có “mũ” đỏ rất đẹp mắt, có người nhầm là cá chép kỳ lân.
Nhưng chỉ đi từ làng Yên Phụ ra đến các chợ, giá cá chép vàng đã thay đổi hẳn. Chị Lan, chủ hàng cá ở chợ Bưởi, cho biết năm nay có nhiều loại cá chép cho người mua lựa chọn: cá chép voi, chép trắng, chép vằn, chép Nhật... Cá chép vàng được mua nhiều nhất với giá bán lẻ lên đến 15.000-25.000 đồng/con. Theo chị Lan, tục lệ tết ông Công ông Táo, mỗi gia đình cúng một bộ ba con cá chép, nhưng năm nay nhiều người mua nhiều hơn để cúng, số lượng thường từ 3-9 con.
Theo chủ nhiều cửa hàng bán cá cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám, tuần này họ chuyển sang tranh thủ kinh doanh cá chép. Tục lệ mua cá chép sống về thả vào chậu nước, cúng ông Táo rồi đem phóng sinh đã được lưu truyền từ nhiều đời. Chị Oanh - chủ cửa hàng cá chợ Ngọc Hà - cho biết phần lớn khách trẻ tuổi thích mua cá chép vàng để thả. Còn các khách hàng lớn tuổi theo truyền thống vẫn thích cá chép thường, vì vậy chị chuẩn bị sẵn nguồn hàng gần 300 con cá chép thường loại nhỏ khoảng 100g và bán rất đắt hàng.
Cá lóc, cá trê... cũng được chọn
Trong khi đó tại TP.HCM sáng 25-1, các cửa hàng bán cá chép để đưa tiễn “vua bếp” dọc tuyến đường Thành Thái (Q.10), Cộng Hòa (khu Bà Quẹo, Q.Tân Bình), Nguyễn Thông (Q.3) khá sôi động. Các loại cá chép Nhật, Nam Dương được chọn mua phóng sinh có giá 40.000-55.000 đồng/ 3 con. Anh Huy, chủ cửa hàng cá kiểng đường Cộng Hòa, cho biết lượng cá chép phục vụ thị trường năm nay khá phong phú, cá 50-150 g/con màu sắc đẹp, vàng óng, khỏe mạnh được khách chọn mua nhiều.
Không như phía Bắc, những bà nội trợ phía Nam còn chọn những loại cá đồng sống lâu, bơi khỏe như cá trê phi, cá lóc để thả phóng sinh, nên bên cạnh cá chép vàng, hai loại cá trên cũng hút hàng. Ban quản lý chợ Bình Điền (Q.8) cho biết để phục vụ thị trường tết ông Táo, lượng cá đồng về chợ bắt đầu tăng mạnh trong đêm 24-1.
Lượng hải sản phụ về chợ đã lên 325 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá có tăng nhẹ, như cá trê phi từ 20.000-27.000 đồng/kg, cá lóc 30.000-44.000 đồng/kg. Dự kiến trong ngày 23 tháng chạp lượng cá về chợ còn tăng mạnh hơn. Tại các chợ lẻ, giá cá lóc, cá trê tăng mạnh, dao động 35.000-60.000 đồng/kg.
Tại các cửa hàng bán hàng mã khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Bình Tây (Q.6), Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), không khí mua sắm diễn ra khá tấp nập. Thị trường hàng mã năm nay xuất hiện khá nhiều hàng “độc” tiễn đưa ông Táo về trời như laptop, điện thoại di động...
Mặt hàng sốt nhất vẫn là bộ đồ hóa vàng cho ông Táo gồm 3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày... giá khoảng 75.000 đồng/bộ, bộ đồ cúng đơn giản và có kích thước nhỏ hơn giá 23.000-35.000 đồng/bộ. Theo bà Hiền - kinh doanh hàng mã tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), giá này tăng hơn so với ngày trước 5.000 đồng/bộ nhưng ngày 23 tháng chạp giá còn lên nữa.
Giá thực phẩm tươi sống, trái cây tăng
Tại Hà Nội, giá rau củ, thực phẩm đều tăng. Nguyên nhân chủ yếu, theo các tiểu thương, không chỉ do nhu cầu hàng tết mà còn do thời tiết giá rét kéo dài ở khu vực phía Bắc. Sáng 25-1, hoa hồng loại bình thường giá chỉ 3.000-4.000 đồng/bông đã được bán với giá 9.000-10.000 đồng.
Cà chua tăng thêm 5.000-7.000 đồng/kg, các loại rau tươi như su hào, súp lơ, rau cải, các loại rau thơm đều tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi bình thường. Nhưng tăng giá mạnh nhất là các loại thực phẩm tươi sống. Thịt bò tăng giá thêm từ 20.000-50.000/kg tùy loại, trong đó tăng nhiều nhất là các loại thịt bò bắp, bò gầu do nhu cầu mua số lượng lớn để chế biến đồ ăn ngày tết.
* Tại chợ Bà Chiểu (TP.HCM), các loại trái cây như quýt, xoài, thanh long, mãng cầu... đều tăng thêm từ 5.000-7.000 đồng/kg. Giá xoài cát Hòa Lộc tăng 6.000 đồng/kg, dao động 50.000-70.000 đồng/kg, thanh long ở mức 30.000-32.000 đồng/kg, quýt đường, mãng cầu lần lượt có giá 35.000 và 50.000 đồng/kg.
* Tại TP Cần Thơ, tiểu thương các chợ lớn như Tân An, Xuân Khánh, Cái Khế... cho biết trong ngày 25-1 các mặt hàng trái cây, bánh mứt bán chạy hơn rất nhiều so với ngày thường. Anh Thông - tiểu thương tại chợ Xuân Khánh - cho biết thực tế mặt hàng bánh mứt đã bán chạy khoảng hai ngày qua nhưng ngày 22 tháng chạp là bán được nhiều nhất.