Đây là chiêu thức quảng bá ấn tượng của nước chủ nhà cho lần đầu tiên đăng cai giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2018. Sau khi ra mắt trong một buổi lễ tổ chức ở thủ đô Moscow của Nga vào tháng 11 năm ngoái, với sự tham dự của các danh thủ nổi tiếng: Zinedine Zidane, Kaka, Xabi Alono, Lionel Messi và Alessandro Del Piero, bóng Telstar 18 được trao cho phi hành gia nổi tiếng người Nga Anton Shkaplerov để thực hiện sứ mệnh bay vào không gian.
Vào lúc 8 giờ 44 tối 21/3 (giờ Moscow), tàu vũ trụ Soyuz MS-08 của Nga được phóng thành công từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, mang theo phi hành gia Anton Shkaplerov, các cộng sự cùng quả bóng World Cup Telstar 18 lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Sau 2 tuần chu du trong không gian, ngày 3/6, bóng Telstar cùng với phi hành đoàn quay trở lại Trái Đất an toàn.
Các hình ảnh trên trang chủ của Cơ quan Không gian Liên bang Nga Roscosmos cho thấy, hai phi hành gia Nga Anton Shkaplerov và Oleg Artemyev đã tổ chức một trận đấu bóng đá trên ISS, sử dụng bóng Telstar 18. Trận đấu đặc biệt này được tổ chức trong điều kiện không trọng lực tại mô-đun Kibo của Nhật Bản ở trạm không gian.
Roscosmos chú thích: “Chỉ huy đội thám hiểm ISS-55 Anton Shkaplerov và kỹ sư Oleg Artemiev đã chơi bóng đá trên trạm ISS bằng quả bóng Telstar 18. Quả bóng này được đưa lên trạm để các phi hành gia chơi thử”. Dự kiến, quả bóng này sẽ được sử dụng thi đấu trong trận khai mạc World Cup 2018 vào ngày 14/6 tới giữa đội chủ nhà Nga và Saudi Arabia.
Tranh cãi về chất lượng bóng Telstar 18
Song song với với việc du hành vũ trụ, bóng Telstar cũng được sử dụng trong loạt trận giao hữu quốc tế để cầu thủ các đội làm quen, nhưng đã nhận phải nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng. Một số thủ môn sau đó đã phàn nàn về chất lượng bóng Telstar.
Sau trận giao hữu hòa 1-1 giữa Tây Ban Nha và Đức, thủ thành David De Gea nói rằng, “quỹ đạo bay của quả bóng này thật kỳ lạ” và ngán ngẩm cho biết “sẽ là một thảm họa với mọi thủ môn nếu như quả bóng được bay tới khung thành bằng những cú sút xa”.
Đồng đội của De Gea ở tuyển Tây Ban Nha là Reina cũng lên tiếng tán thành: “Quả bóng có quỹ đạo khó lường. Đáng lý ra nó cần phải được làm tốt hơn”. Trong khi đó, thủ môn Ter Stegen, người bắt chính cho tuyển Đức trong trận này cũng không hài lòng, nhưng anh cho rằng các thủ môn không còn cách nào khác là phải làm quen với nó.
Đây không phải là lần đầu tiên quả bóng được sử dụng tại một kỳ World Cup gây tranh cãi. Trước đó, tại World Cup 2010 diễn ra ở Nam Phi, Jabulani, quả bóng được sử dụng năm đó cũng gặp nhiều vấn đề khi có quỹ đạo bay rất khó lường và không ổn định.
Sau đó, tại World Cup 2014 trên đất Brazil, bóng Brazuca nhận được nhiều đánh giá tích cực và được cho là cải thiện hơn rất nhiều so với Jabulani. Tuy nhiên, quả bóng này vẫn bị chê là cứng, quá nhẹ và khó kiểm soát. Đối với quả bóng năm nay, các chuyên gia cho rằng chất lượng của Telstar cũng tương tự Brazuca.
John Eric Goff, nhà vật lí tại Đại học Lynchburg, Virginia đánh giá: “Quả bóng năm nay không khác biệt nhiều so với trước đây. Đáng chú ý, nó chỉ có 6 miếng ghép so với 32 miếng ở mẫu cũ. Khi giảm số lượng miếng ghép, số lượng đường may trên quả bóng cũng sẽ được giảm bớt khiến quả bóng “mượt mà” hơn. Điều này cũng làm cho chuyển động của nó trong không khí trở nên khó lường hơn”.