Lương thấp nhưng học được nghề hấp dẫn
Khánh Linh là trường hợp hiếm hoi “sinh viên Đại học Mỹ thuật mà thắng giải giữa một rừng cao thủ công nghệ lập trình” tại cuộc thi Angelhack Hackathon 2019 (Hà Nội). Đăng ký thi vào thời hạn chót, lập nhóm vội với bốn bạn cũng đang lơ vơ tìm đồng đội, màn thuyết trình về Smart Looker (Tủ khóa thông minh) của Khánh Linh đã hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo.
Lúc đầu, thấy Linh là sinh viên Mỹ thuật, thành viên giám khảo hơi tỏ ý thiếu tin tưởng, họ chuyển sang chất vấn bạn sinh viên học kinh tế. Bạn này lại chỉ sang tác giả của ý tưởng là Khánh Linh.Thương mại điện tử phát triển quá nhanh khiến hàng hóa của VN Post tồn đọng, ứng dụng trên điện thoại bị lỗi, nhân viên giao hàng gặp khó khăn trong việc liên lạc với khách, đi lại nhiều lần để trả một gói hàng... Giải pháp Tủ khóa thông minh đề xuất mỗi bưu cục chi nhánh sẽ có một Tủ khóa (kho hàng). Khách sẽ được gửi mã số hộp chứa và đến nhận hàng vào bất cứ lúc nào trong ngày. Mỗi Tủ khóa sẽ có camera giám sát, bảo đảm an ninh, chống trộm. Nhờ hệ thống camera thông minh, 10-15 Tủ khóa chỉ cần 1 người trông coi camera tổng. Khách lĩnh hàng trễ sau 25 giờ lưu kho sẽ bị phạt cấp số nhân, để tránh hàng tồn chiếm kho. Phần thưởng 1.000 USD không nhiều cho năm thành viên nhóm thắng giải, nhưng đại diện của VN Post bày tỏ thiện chí sẽ hiện thực hóa ý tưởng Smart Looker tại các bưu cục trong cả nước “tất nhiên việc này cần nhiều thời gian, công sức và tiền của”. Khánh Linh được mời làm cộng tác viên tại phòng Phát triển và Xây dựng thương hiệu (XDTH) của VN Post. Trưởng phòng Phan Trọng Lê cho biết lý do nhận Khánh Linh “Bạn ấy từng học hết năm thứ nhất Đại học Ngoại thương rồi bỏ để thi Mỹ thuật vì đam mê. Linh có ít kiến thức về kinh tế từ Ngoại thương, khả năng về đồ họa, con người của sáng tạo và cá tính phù hợp với công việc thiết kế XDTH”.
Theo nữ sinh viên Mỹ thuật, cô chấp nhận mức lương 3 triệu để có cơ hội thể hiện và chứng tỏ khả năng. Sau 2 tháng Linh ký tiếp hợp đồng làm việc bán thời gian với mức lương 7 triệu “nếu tôi nhận công việc thiết kết đồ họa bên ngoài thu nhập sẽ gấp 2-3 lần nhưng ở đây tôi được học nhiều kỹ năng, được gặp nhiều đồng nghiệp giỏi và luôn sẵn sàng hỗ trợ một sinh viên đang còn bận học như tôi”.
Tìm hiểu các sản phẩm nổi bật của VN Post, nhân viên tập sự Khánh Linh rất tiếc cho Post Mart (Siêu thị bưu điện). Theo ý tưởng ban đầu, dịch vụ này sẽ đưa đặc sản vùng miền đến cư dân, hỗ trợ địa phương bán hàng. Nhưng sau đó siêu thị này bán cả đồ điện tử, đồ tiêu dùng, đồ chơi... không cạnh tranh được với các kênh bán hàng online trên thị trường. Bưu điện Nhà nước khiến người tiêu dùng tin tưởng với các dịch vụ thu chi, chuyển tiền, các dịch vụ tài chính sẽ là thế mạnh nhưng bỗng dưng Bưu điện lại mở ứng dụng bán quần áo thời trang, đồ tiêu dùng thì tiềm thức khách hàng sẽ phải chững lại phân vân. Nhiệm vụ của người XDTH cũng là thiết kế ra sản phẩm để khách hàng không phải lăn tăn khi lựa chọn. Muốn bán được quần áo có thể phải bỏ từ Bưu điện thay vào là từ Blossom (Hoa nở) chẳng hạn, Khánh Linh vui vẻ đưa ra ví dụ.
Khi xây dựng hoặc định vị một thương hiệu “càng cô đọng càng tốt, càng mở rộng càng khó định hình”. Đó là một trong những bài học đầu tiên với người nhập môn nghề này. Khánh Linh hào hứng kể về hành trình định vị brand của các nhãn hàng nổi tiếng như Toyota, Mercedes, Volvo như về một “kiệt tác nghệ thuật”. “Còn ở Việt Nam không ai không biết câu chuyện tái định vị thương hiệu đặc biệt hiệu quả của Petrolimex. Họ từng mở rất nhiều dòng sản phẩm nhằng nhịt, rồi thành công nhờ thu gọn ”.
Nhân vị trọng tâm
Có một chị đồng nghiệp trong khóa huấn luyện đã truyền cho Linh một phát hiện quí giá trong nghề “Mọi người thường chỉ chú tâm vào những công thức nhưng thực ra tiềm thức não bộ (của khách hàng) nhận thông tin thế nào sẽ thay đổi cuộc chơi”. Định vị thương hiệu chính là hiểu tâm lý người tiêu dùng. Thông tin và hình ảnh được gài vào tiềm thức, não tự động chuyển thông tin và cảm giác tới khách hàng. Nhận ra vai trò của tâm lý học nên gần đây có rất nhiều giám đốc nhãn hàng, giám đốc phát triển của công ty danh tiếng bỏ ngang công việc đi du học ngành tâm lý.
Linh chia sẻ kiến thức về nghệ thuật và hội họa từng hỗ trợ cô rất rất nhiều trong những lần làm dự án về các vấn đề xã hội như “Bảo vệ nạn nhân bị bạo hành” của CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên). Làm ở VN Post mọi kỹ năng đồ họa , năng khiếu nghệ thuật sáng tạo, kiến thức về tâm lý xã hội... đều được huy động.
Là người nhiều lần phát hiện ra “sáng kiến cách mạng” và nhân tài trẻ từ các cuộc thi đem về cho VN Post, ông Phan Trọng Lê cho biết những năm gần đây VN Post vừa coi trọng văn hóa doanh nghiệp nội bộ vừa PR lan tỏa ra ngoài. Bưu điện chủ trương làm brand hữu hình chứ không đổ tiền vào truyền thông, PR. Mỗi ngày quãng đường di chuyển của các loại phương tiện bưu tá (xe ô tô, xe máy...) của chúng tôi cộng gộp lại gấp bốn lần chu vi trái đất. Logo VN Post có trên đồng phục, xe chuyên chở và toa tàu có mặt trên từng kilomet vuông của đất nước... Đó là những giá trị hữu hình.
Trong thời đại chuyển đổi số, số là ảo nên cần nhất là giá trị con người. VN Post tham gia vào nhiều hoạt động an sinh xã hội, tài trợ người nghèo, tài trợ các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp... VN Post đặc biệt chú trọng tìm kiếm ý tưởng mới, nhân sự trẻ để cập nhật trong thời đại cạnh tranh công nghệ.